Cổ phiếu VPB tiếp tục là “điểm đến” của dòng tiền?

Cổ phiếu VPB tiếp tục là “điểm đến” của dòng tiền?
Cùng với TCB, cổ phiếu VBP của NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã có khối lượng khớp lệnh khủng trước khi quỹ FVMN Daimond niêm yết vào ngày 12/05...

Phiên ngày 11/5 có thể nói là phiên tỏa sáng của cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu TCB tăng trần lên 20.200 đồng/cp; cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng tăng gần kịch biên độ ngay sau đó, lên ngưỡng 7.800 đồng/cp. Đặc biệt, thanh khoản của nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, trong đó thanh khoản của cổ phiếu VPB đạt 8,5 triệu cổ phiếu, CTG 7,7 triệu cổ phiếu...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh cùng dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu này đã tạo hiệu ứng tích cực lên chỉ số VN-Index, đồng thời cũng tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Chị Nguyễn Thuý Hạnh- Nhà đầu tư tài chính, cho biết cổ phiếu VPB đã có khối lượng khớp lệnh lớn trong phiên giao dịch ngày 11/5 trước thềm quỹ ETF FVMN Daimond niêm yết. Trong danh sách dự kiến 14 cổ phiếu lọt quỹ ETF VFVM Diamond, có một số cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng cao, như CTG, VPB, TCB, MBB và TPB. Trong đó, VPB được dự báo chiếm tỷ trọng 15,4%, TCB 11,4%, CTG 2,9%... "Việc niêm yết của quỹ ETF VFVM Diamond đã khiến các cổ phiếu ngân hàng này có sự bứt phá mạnh mẽ trong những phiên giao dịch vừa qua", chị Nguyễn Thúy Hạnh nhận định. 

Trong các cổ phiếu ngân hàng nói trên, cổ phiếu VPB được kỳ vọng sẽ tiếp tục hút mạnh dòng tiền bởi kết quả kinh doanh khả quan, cũng như triển vọng tích cực của ngân hàng này.

Trong quý 1/2020, nhờ cắt giảm chi phí nên lợi nhuận của VPB vẫn đạt hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó ngân hàng mẹ là hơn 2.000 tỷ đồng và FeCredit đạt 917 tỷ đồng.

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt 9.906 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cũng kỳ năm trước. Các nguồn thu của ngân hàng tiếp tục được đa dạng hóa nhằm giảm thiểu các tác động từ thị trường và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ hợp nhất đạt 695 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ tăng 49,4%. Hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại doanh thu cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng hợp nhất.

Tự động hoá và số hoá tiếp tục tạo ra các nền tảng vững chắc cho ngân hàng kiểm soát tốt chi phí hoạt động trong quý 1/2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều khoản chi phí cũng đã được tiết giảm; chính vì vậy, trong 3 tháng đầu năm nay, chi phí hoạt động hợp nhất gần như không tăng so với quý 4/2019 và chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 24,4% của tổng thu nhập hoạt động. Do đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đã giảm từ 33,9% cuối năm 2019 xuống 33,1% cuối tháng 3/2020.

Về xử lý nợ xấu, công tác thu hồi nợ tiếp tục được chú trọng đã mang lại những kết quả tích cực ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit, giúp đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59% tại cuối quý 1/2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15%. 

Trong 3 tháng đầu năm nay, ngân hàng trích lập 3.712 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngân hàng mẹ, chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng được thể hiện rõ nét trong việc tăng chi phí dự phòng cho vay khách hàng lên tới 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Mục tiêu tăng trưởng hiệu quả và an toàn của ngân hàng còn được củng cố bởi các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và thận trọng hơn mức yêu cầu của cơ quan quản lý. Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tỷ lệ CAR theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của VPB đạt 11,1%, vượt 3% so với mức tối thiểu 8%... 

Hà Phương

Tags: Vpb Cổ Phiếu Vpbank Khớp Lệnh Cổ Phiếu Ngành Ngân Hàng Tcb Lienvietpostbank Thanh Khoản Cổ Phiếu Ngân Hàng Vn-Index Thị Trường Chứng Khoán Kết Quả Kinh Doanh Dự Phòng Rủi Ro Nợ Xấu