Công nghệ xoay chuyển ngoạn mục kinh tế Việt Nam 45 năm sau thống nhất

Công nghệ xoay chuyển ngoạn mục kinh tế Việt Nam 45 năm sau thống nhất
Năm 1975, sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những cú xoay chuyển mạnh mẽ, chủ yếu nhờ vào những cải cách quyết liệt về kinh tế cũng như chính trị, được chính phủ thiết kế và đưa ra vào năm 1986 để thúc đẩy tăng trưởng của đất nước.

Hơn 45 triệu người đã thoát nghèo trong khoảng từ năm 2002 đến 2018 khi đất nước phát triển các ngành công nghiệp như dệt may, nông nghiệp, nội thất, nhựa, giấy, du lịch và viễn thông. Việt Nam hiện đang trải qua thời kỳ phát triển bùng nổ của công nghệ. Cơ sở hạ tầng mới giúp người dân Việt Nam dễ dàng truy cập Internet, nhanh chóng nắm bắt những gì đang diễn ra trên thế giới.

Một báo cáo năm 2018 của Google và công ty đầu tư Singapore Temasek đã mô tả nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam - đang tăng trưởng hơn 40% mỗi năm - là “một con rồng đang lên”. Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã và đang thay đổi cách người Việt kinh doanh, sản xuất hàng hoá, giải trí, mua sắm, quản lý tài chính cũng như giao tiếp. CNN đã có cuộc phỏng vấn với ba nhà lãnh đạo doanh nghiệp - để có cái nhìn trực quan hơn về những thay đổi đang diễn ra tại Việt Nam. 

Người tiên phong khởi nghiệp

CNN cho biết, một trong những tập đoàn khởi nghiệp thành công nhất, Appota, đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam. 

Appota, được thành lập năm 2011, đang có “hệ sinh thái số” với khoảng 40 triệu người dùng - Nguyễn Thuỳ Liên, Giám đốc đầu tư của Appota, cho biết. Công ty cung cấp các trò chơi điện tử được mua lại từ các nhà phát triển tại Trung Quốc và đồng thời phát triển ví điện tử riêng cho phép người dùng trực tiếp mua trò chơi.

Báo cáo năm 2019 của Google và Hiệp hội Tiếp thị Di động xác định Việt Nam là “thị trường gắn liền với điện thoại di động“ với “lượng người dùng từ 15 tuổi trở lên đang chiếm hơn 80% dân số”. Ngoài ra, Việt Nam còn có mạng lưới phủ sóng rộng khắp, mọi người có thể truy cập mạng 3G và 4G ở cả khu vực nông thôn và miền núi. Điện thoại di động cũng như cước phí có giá phải chăng. 

Nguyễn Thuỳ Liên chịu trách nhiệm đảm bảo thu thút vốn cho Appota, hiện đã huy động được 17 triệu USD tính đến nay. Liên cho biết thu hút đầu tư đã trở nên dễ dàng hơn so với trước đây, với phần lớn các quỹ đầu tư đến từ nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam “còn e dè đầu tư vào công nghệ và thay vào đó họ đầu tư vào bất động sản nhiều hơn” - Liên nói.

Dệt may phát triển bền vững

Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Nhưng ngành công nghiệp dệt may toàn cầu đang gây ô nhiễm cao, tiêu tốn hơn 90 tỉ mét khối nước mỗi năm, đồng thời thải ra 10% lượng khí thải trên toàn thế giới. 

Tập đoàn dệt may Royal Spirit Group có trụ sở tại Hong Kong đã mở nhà máy Deutsche BekleidungsWerke (DBW) ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2016 với phương châm “đặt sự bền vững làm mối quan tâm hàng đầu” - ông Hans Barkell-Schmitz, trợ lý chủ tịch Royal Spirit Group cho biết.

DBW, cơ sở trị giá 20 triệu USD này được thiết kế để cung cấp môi trường làm việc cho 1.000 lao động. Những chiếc ghế được thiết kế phù hợp với kích thước cơ thể trung bình của người Việt. Trong toàn bộ nhà máy, đèn LED được chiếu sáng ở mức độ vừa đủ nhằm tránh mỏi mắt và đau đầu, việc bố trí hệ thống thông gió và điều hoà cũng được tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo ra môi trường nhiệt độ phù hợp nhất. “Chúng tôi sẽ chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi mọi người đều hài lòng với môi trường làm việc của họ” - Barkell-Schmitz nói.

Cắt giảm tiêu thụ năng lượng chính là chìa khoá. Nhà máy chạy trên các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm thuỷ điện, nhiên liệu sinh học và năng lượng mặt trời, Barkell-Schmitz cho biết. Nhà máy đồng thời cũng được trang bị máy nhuộm kỹ thuật cao, sử dụng hạn chế thuốc nhuộm và nước. Barkell-Schmitz hy vọng rằng DBW sẽ truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất khác. “Những việc chúng tôi đang làm đều đem lại lợi tích cho hệ sinh thái, môi trường đầu tư cũng như bộ phận khách hàng”.

Doanh nhân thương mại điện tử 

Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập và CEO Tiki đã cho ra mắt Công ty Tiki vào năm 2010 trong phòng ngủ của mình tại nhà bố mẹ anh ở thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu là cổng bán sách trực tuyến chuyên về sách tiếng Anh, Sơn đã sử dụng gara của gia đình để làm nhà kho. “Lúc ấy đó là tất cả những gì tôi có, nhưng tham vọng của tôi cũng vô cùng lớn” - Sơn cho biết. 

10 năm sau, Tiki trở thành một trong những cổng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, có khoảng 17 triệu người sử dụng với 4.5 triệu đơn hàng được vận chuyển mỗi tháng. 

Sự phát triển của Tiki đóng góp không nhỏ vào thị trường thương mại điện tử bùng nổ của Việt Nam, trị giá 6,2 tỉ USD vào năm 2019. “Sự bùng nổ ấy một phần phản ánh đời sống của người dân Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. Người dân tiếp thu công nghệ mới và nắm bắt những xu hướng tương lai. Việc họ mua sắm online là minh chứng rõ ràng cho điều này” - Sơn nói.

Dịch vụ hậu cần hiệu quả là chìa khoá thành công của công ty. Tiki có 33 kho hàng tại 13 thành phố, công ty được biết đến với chính sách giao hàng nhanh trong vòng 2 giờ. Sơn cho biết hơn một nửa số mặt hàng vẫn có thể được thanh toán bằng tiền mặt sau khi khách hàng nhận được chúng. Tuy nhiên anh muốn việc giao hàng qua cổng ví điện tử được áp dụng rộng rãi hơn. Với việc ngày càng nhiều giao dịch điện tử tại Việt Nam, những cách thức giao dịch này sẽ ngày càng trở nên phổ biến. 

NGỌC VÂN

Tags: Kinh Tế Việt Nam Nước Nghèo Nhất Thế Giới Viễn Thông Bùng Nổ Của Công Nghệ Cơ Sở Hạ Tầng Internet Kinh Tế Kỹ Thuật Số Appota Điện Thoại Thông Minh Thương Mại Điện Tử Tiki