Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo chủ đề “Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trên toàn quốc với sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại Việt Nam nhằm thu thập ý kiến đóng góp về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trong 5 năm tới.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, trong giai đoạn 2014-2019, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 31,1% năm, hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với hơn 1 triệu người.
Năm 2019, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã nộp ngân sách nhà nước trên 53.000 tỷ đồng. Hai mặt hàng công nghiệp công nghệ thông tin (máy vi tính và linh kiện điện tử) giữ vị trí thứ 3 trong 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019.
Trong 5 năm qua (2014-2019), nhiều địa phương đã có cố gắng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Ngoài 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đã có thêm 5 tỉnh, thành phố tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu trên 1 tỷ USD là: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
8 địa phương có trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh, Thừa Thiên – Huế và Lạng Sơn; 15 địa phương có số lượng lao động công nghệ thông tin trên 10.000 người...
Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Trong 2 năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin cũng bộc lộ hai vấn đề đáng lưu ý. Thứ nhất là tăng trưởng doanh thu của ngành đã chững lại. Năm 2019, tăng trưởng ngành công nghiệp công nghệ thông tin giảm xuống còn 9,8%.
Thứ hai, ngành công nghiệp công nghệ thông tin vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó các doanh nghiệp FDI hiện chiếm tới trên 90% doanh thu xuất khẩu. Các doanh nghiệp nội địa hiện chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao như lắp ráp phần cứng, gia công phần mềm, hiện chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin đã nêu rõ: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo. Cụ thể hóa định hướng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Mục tiêu đề ra đến năm 2025, Việt Nam có khả năng chủ động, làm chủ công nghệ trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế chủ đạo, có doanh thu cao, giá trị sản xuất lớn, là ngành xuất khẩu dẫn đầu, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP)…
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về tính phù hợp, hiệu quả và khả thi của đề án trong bối cảnh cụ thể Việt Nam. Các ý kiến cũng đề cập đến sự hỗ trợ của Chính phủ để ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông là ngành được ưu tiên, tập trung để phát triển chủ động, sẵn sàng, tiên phong tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam trao đổi về các vấn đề cơ bản của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, công nghiệp phần cứng, điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số, sản phẩm công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ đó, các đại biểu đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển tổng thể các lĩnh vực của công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh, khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất của ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét bổ sung vào dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành trong quý I năm 2020./.
Ngọc Bích