Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo chấp thuận để 324 triệu cổ phiếu MML giao dịch trên thị trường UPCoM, với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 80.000 đồng. Ước tính vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này xấp xỉ 26.000 tỷ đồng.
Masan MeatLife tiền thân là Masan Nutri-Science, được thành lập vào cuối năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Sau bốn lần thay đổi, vốn điều lệ hiện tại là 3.243 tỷ đồng. Doanh nghiệp này mới đổi tên vào tháng 7/2019 theo kế hoạch chuyển từ công ty thức ăn chăn nuôi thành công ty hàng tiêu dùng nhanh, cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.
Tập đoàn Masan là cổ đông lớn nhất, nắm hơn 79% vốn tại Masan MeatLife. Bên dưới doanh nghiệp này có 2 công ty con trực tiếp, 16 công ty con và 4 công ty liên kết sở hữu gián tiếp.
Masan MeatLife ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm của mảng thức ăn chăn nuôi đạt hơn 6.700 tỷ đồng. Mảng thịt đạt 65 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đóng góp khoảng 10% (tương đương 1.000 tỷ đồng) vào doanh thu hợp nhất.
Đại diện Tập đoàn Masan cho biết, phân khúc thịt mát và thịt chế biến được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp này trong vòng 3-5 năm tới. Công ty đặt mục tiêu ngắn hạn 2-3 năm sẽ phục vụ 10 triệu người dùng và thu về 1 tỷ USD. Rủi ro chính trong hoạt động của Masan MeatLife đến từ nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng ảnh hưởng đến mảng thức ăn chăn nuôi và tốc độ mở rộng mảng lưới phân phối của ngành thịt không như mong đợi.