Covid-19 có làm hạ nhiệt thương chiến Mỹ - Trung

Covid-19 có làm hạ nhiệt thương chiến Mỹ - Trung
Ngày 14-2-2020, thế giới không chỉ chào đón ngày lễ tình nhân mà còn chứng kiến sự hiệu lực quyết định của Trung Quốc dỡ bỏ 50% lá chắn thuế hàng hóa Mỹ và Mỹ dỡ bỏ 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cũng trong lúc này, dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc đang diễn biến khó lường. Các sự kiện này đang tác động ra sao đến tâm lý thị trường toàn cầu?

Thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt

Trung Quốc gần đây được nhắc đến liên tục trên toàn cầu, bắt đầu từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, tiếp nối là dịch viêm phổi Covid-19, và còn nhiều mối đe dọa khác như dịch cúm gia cầm H5N1 tái diễn. Tính đến thời điểm này, thương chiến Mỹ - Trung vẫn đang nằm ở quy mô căng thẳng tột độ.
Tổng thuế quan của Mỹ áp dụng riêng cho hàng hóa Trung Quốc 550 tỷ USD, trong khi quy mô thuế quan của Trung Quốc áp dụng cho hàng hóa Mỹ 185 tỷ USD. Động thái mới nhất của chính quyền Tập Cận Bình cho thấy sự chuyển biến mềm dẻo ở cả nội địa và quốc tế. Bên cạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ để vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc chủ động thỏa thuận hạ nhiệt, khi cam kết với Mỹ nhiều hạng mục về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiền tệ và ngoại hối.

Trong đó, điểm nhấn là Trung Quốc sẽ tăng mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới. Con số này cao hơn cả mức 186 tỷ USD Trung Quốc đã mua cho Mỹ năm 2017, bao gồm 78 tỷ USD hàng hóa thuộc nhóm sản xuất bổ sung, 54 tỷ USD nhóm hàng hóa năng lượng, mua thêm 32 tỷ USD hàng hóa nông sản và tăng mua nhóm hàng hóa dịch vụ trị giá 38 tỷ USD. 
Đặc biệt, điểm sáng của thương chiến Mỹ - Trung là ngày 14-2 Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ 50% lá chắn thuế trị giá 75 tỷ USD. Theo đó, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố giảm một nửa thuế quan đối với 1.717 hàng hóa Mỹ. Việc giảm thuế quan đối với một số mặt hàng từ 10% xuống 5% và các loại khác từ 5% xuống 2,5%. Đây là động thái đúng theo thỏa thuận giai đoạn 1 của Mỹ - Trung Quốc, khi Mỹ cũng cắt giảm mức thuế từ 15% xuống 7,5% đối với một số nhóm hàng hóa là dầu thô, thịt và đậu tương có trị giá 120 tỷ USD vào cùng ngày. Dự kiến mức thuế đối với dầu thô giảm từ 5% xuống 2,5%, thuế đậu tương từ 30% xuống 27,5% và thuế quan đối với thịt lợn, thịt bò và thịt gà, giảm từ 35% xuống 30%. 
Dù Mỹ vẫn để lại thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, nhưng có thể nói đây là bước ngoặt thực sự hạ nhiệt trong thực tế của diễn biến thương chiến Mỹ - Trung. Bởi lẽ, cuộc chiến này luôn bị xem là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm rung chuyển chuỗi cung ứng. Nếu theo góc độ phân tích đó, khi cuộc chiến này đi vào hiệu lực dỡ bỏ lá chắn thuế của cả 2 chính phủ, nó chắc chắn mang lại tác động tích cực đối với thương mại toàn cầu, đặc biệt là tích cực đối với tâm lý thị trường nói chung.

Phòng thủ trước tác động tiêu cực của Covid-19

Ngược lại với diễn biến tích cực của thương chiến Mỹ - Trung, dịch Covid-19 đang phủ đám mây u ám lên tâm lý thị trường. Phân tích ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế và thương mại toàn cầu thường xoáy theo 2 hướng. 
Thứ nhất, vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu, dịch bệnh gây tác động lên mắt xích cung ứng về nguyên liệu sản xuất, và thị trường lao động. Tỷ lệ lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát đã làm chi phí lương cho lao động tăng đến 150% trong khi nguồn cung lao động vẫn khan hiếm. Do đó sản xuất bị đình trệ, gây thiếu hàng hóa cho những chuỗi cung ứng ở nước ngoài, đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia Trung Quốc đang cung ứng hàng hóa trung gian và nguyên liệu chủ yếu. 
Thứ hai, lo ngại dịch bệnh mất kiểm soát khi nó lan đến những quốc gia kém phát triển, số bệnh nhân được chữa khỏi dù ngày càng tăng, nhưng quá nhỏ so với con số gia tăng của người bị lây nhiễm khiến ngành y tế thất thủ. 
Chính quyền Tập Cận Bình đang có nguồn dự trữ rất lớn, chỉ có cách nhanh nhất là mở rộng chính sách tiền tệ, tăng cường tín dụng, mở rộng cung tiền, giảm lãi suất. Nhìn khách quan những con số, sẽ thấy dù gì đi nữa Trung Quốc đang là quốc gia có GDP danh nghĩa thuộc nhóm cao nhất, nhì thế giới. Và thực lực của chính quyền Tập Cận Bình trong việc dẫn dắt nền kinh tế Trung Quốc đã nhận được tín nhiệm rất lớn của đất nước này. Khả năng họ giải quyết được dịch bệnh cũng có thực lực đáng tin cậy hơn nếu nó xảy ra tại quốc gia nào đó có kém nội lực kinh tế và y tế hơn. 

Việt Nam có bị ảnh hưởng nặng?

Tin tức và nguồn tin không chính thức từ mạng xã hội đẩy tâm lý hoang mang dâng cao trên thị trường, lo ngại về sức khỏe do dịch Covid-19 che mờ những vấn đề tích cực thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra. Người ta trầm trồ với những tin tức như thương lái Trung Quốc từ bỏ mấy trăm container hàng hóa nông sản như dưa hấu, thanh long… và tô màu xám đen cho viễn cảnh kinh tế. Thực tế, nông sản Việt Nam dù không có dịch bệnh cũng là nhóm tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Năm 2019, nhóm nông-lâm-ngư nghiệp tăng trưởng chỉ 2,01%, thấp gần một nửa so với mức tăng trưởng 3,8% năm 2018. 
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam 2019 tăng trưởng 7,02% nhờ vào đóng góp chính từ nhóm công nghiệp và xây dựng đạt 8,9% và nhóm dịch vụ đạt 7,3%. Sự tăng trưởng này cũng nhờ vào tầng lớp trung lưu tăng mạnh, là nhóm dân số có mức chi tiêu trên 15USD/ngày tăng khoảng 1 triệu người mỗi năm, và do tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu qua thị trường Mỹ. 
Bên cạnh đó, nếu dịch Covid-19 làm giảm tăng trưởng nhóm nông sản, nó lại tạo ra tăng trưởng cho ngành y tế và dược phẩm nói chung. Cho dù GDP quý I-2020 có bị ảnh hưởng do giảm sức cầu, sức cầu của thị trường lớn nhất và nhì của Việt Nam là Mỹ và EU không bị suy giảm do dịch Covid-19. Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, sức cầu hàng hóa của Mỹ và EU tác động mạnh hơn đối với tăng trưởng xuất khẩu, là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cầu hàng hóa do dịch Covid-19 có thể giảm ở các cửa hàng, siêu thị, nhưng nếu đi sát với tình hình, sẽ thấy nó tăng cao do nhu cầu nội địa tăng do dự trữ của hộ gia đình phòng ngừa trường hợp dịch bệnh tăng mạnh. 
Chính phủ đã định hướng thoát nông, nên năm 2020 là bước ngoặt công nghiệp hóa. Ngành y tế Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại cũng cho thấy khả năng kiểm soát ổn dịch bệnh. Sự phối hợp của các ngành khác cũng khá nhịp nhàng, như cho học sinh, sinh viên nghỉ học ở những vùng có xuất hiện dịch; cắt giảm thuế cho những doanh nghiệp liên quan đến cung ứng hàng  hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19… 
Dù tâm lý thận trọng cũng khá hợp lý trong thời điểm hiện tại, thị trường có phần nhàm với tin tức từ thương chiến Mỹ - Trung, bị che phủ bởi những xôn xao của Covid-19 tại Trung Quốc. Nhưng trong ngày lễ tình nhân năm nay, Covid-19 và thương chiến mang lại cho thị trường 2 chiều trái ngược về triển vọng kinh tế 2020. Một bên là sức ảnh hưởng tích cực chính sách tài khóa của 2 cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới, phối hợp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng trên diện rộng ở nhiều quốc gia, với bên kia là sức mạnh của loại virus nhỏ bé mà nguy hiểm khiến người ta tử vong khá nhanh. 
Bên nào mạnh hơn có lẽ sẽ rõ ràng khi mà vaccin và thuốc điều trị cho dịch Covid-19 thể hiện được hiệu quả và những lo ngại về sức khỏe trở nên rõ ràng hơn.  
 Tin tức và nguồn tin không chính thức từ mạng xã hội đẩy tâm lý hoang mang dâng cao trên thị trường, lo ngại về sức khỏe do dịch Covid-19 che mờ những vấn đề tích cực thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra. 

Th.S Đinh Hạ Vân

 

Tags: H5N1 Dịch Cúm Gia Cầm Đậu Tương Ngoại Hối Thuế Quan Tài Khoản Chính Sách Tiền Tệ Covid-19