Khoảng 11h trưa ngày 15/1, nhiều chủ căn hộ đòi bảo vệ mở cửa vào công trình 8B Lê Trực, “nói cho ra nhẽ” với lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư dự án) để biết được đến thời điểm nào thì được về nhà mới. Khoảng 30 phút sau, những người đứng đầu của Công ty CP May Lê Trực cũng có mặt để lắng nghe tâm tư của chủ các căn hộ thuộc dự án 8B Lê Trực.
Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực, nhiều hộ dân nêu ra những nỗi khổ mà mình phải chịu đựng hơn 4 năm đi “ăn nhờ ở đậu” chờ TP Hà Nội “cắt ngọn” tòa nhà 8B Lê Trực.
“Hơn 4 qua, tòa nhà này vẫn chỉ là đống bê tông. Còn chúng tôi vẫn chưa được nhận tài sản mình bỏ tiền ra mua. Đến nay đã quá sức chịu đựng, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư cho biết phương án xử lý dứt điểm những tồn tại ở công trình, để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà”, ông Phạm Quang Lung (chủ căn hộ trên tầng 16) bức xúc nói.
Qua nhiều năm chờ đợi nhưng vẫn không được về ở tòa nhà nằm giữa trung tâm TP Hà Nội, ông Lê Văn Chương (chủ căn hộ 1088) yêu cầu chủ đầu tư và TP Hà Nội đưa ra câu trả lời rõ ràng đến khi nào thì cưỡng chế xong diện tích sai phạm của tòa nhà.
“Hơn 4 năm qua, nhiều người mua nhà đã kiệt cùng sức khỏe, do vậy nếu các bên liên quan cứ nhùng nhằng không giải quyết dứt điểm phần sai phạm của tòa nhà sẽ không có cơ hội về đây ở”, ông Chương lo lắng.
Ông Phạm Ngọc Linh (62 tuổi, chủ căn hộ trên tầng 16) ký hợp đồng mua nhà ở 8B Lê Trực từ khi còn công tác với mong muốn sống ở vị trí thuận lợi để dưỡng già. Thế nhưng đến nay, ông Linh đã nghỉ hưu được hơn 2 năm, căn nhà dưỡng già vẫn “lặn mất tăm” mà không hẹn ngày về.
“Thời điểm ký hợp đồng mua chung cư ở 8B Lê Trực, tôi đã tìm hiểu rất kỹ các thủ tục pháp lý. Tin tưởng các giấy tờ liên quan đến dự án đã đầy đủ nên tôi mới bán nhà cũ hùn hết tiền mua căn chung cư ở 8B Lê Trực. Nhưng đến nay thì nó vẫn là khối bê tông nằm chờ xử lý phần sai phạm. Còn gia đình 3 thế hệ nhà tôi vẫn phải đi thuê nhà”, ông Linh bức xúc.
Có mặt tại đây, KTS Phạm Thanh Tùng (Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam) cho rằng, những người dân mua nhà ở 8B Lê Trực hoàn toàn hợp pháp, có hợp đồng đầy đủ, nên họ là những người thiệt thòi nhất. “Ở đây có trách nhiệm của chủ đầu tư đối với người mua nhà. Doanh nghiệp làm sẽ cần lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó phải chính đáng, phải đảm bảo được quyền lợi của người mua sản phẩm của mình”, ông Tùng nói.
Trước sức ép của người dân, ông Trần Đức Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Lê Trực - hứa dù có lỗ đến mấy, công ty vẫn sẽ có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình và có trách nhiệm với tất cả người dân mua nhà.
Ông Minh cho biết, chủ đầu tư và cư dân sẽ tiếp tục kiến nghị để vụ việc này sớm kết thúc và người dân được nhận nhà. “Hơn 4 năm qua, chúng tôi rất nhiều lần đề nghị chính quyền sớm xử lý phần sai phạm của tòa nhà để khách hàng được về ở. Nếu các đơn vị của TP chủ tâm giải quyết sẽ không lâu tới mức như thế”, ông Minh nói.
Trước đó, UBND TP Hà Nội có công văn gửi sở ngành và quận Ba Đình yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng công trình số 8B Lê Trực. Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đến nay phương án xử lý vi phạm giai đoạn 2 của tòa nhà vẫn phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quang Phong