Tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (Đà Nẵng), chủ đầu tư đã xây dựng sai phép nhiều căn hộ và đã bán cho người dân. Hiện nay chính quyền địa phương đang tổ chức cưỡng chế và yêu cầu người dân di dời khỏi những căn hộ vi phạm đó.
Vậy, trách nhiệm của chính quyền như thế nào khi để cho chủ đầu tư xây dựng công trình sai phép sừng sững rồi lại bán công khai cho người dân?
Trả lời câu hỏi của PV Infonet, ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho rằng, việc đó thuộc thẩm quyền của địa phương.
Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay, ngày 22/10/2019, UBND TP Đà Nẵng cho biết Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả sai phạm tại công trình tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà.
Theo quyết định này, chủ đầu tư công trình đã vi phạm Nghị định số 130/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Các sai phạm được thống kê, gồm: tại tầng 25, chủ đầu tư xây dựng sai phép, thay đổi công năng 5 phòng thành 1 phòng lớn; tại tầng 35, theo nội dung cho phép là vị trí lánh nạn, chủ đầu tư đã thay đổi công năng thành 8 phòng ở.
Tại tầng 41, giấy phép xây dựng chỉ có diện tích 531 m2 nhưng chủ đầu tư tự ý mở rộng diện tích đến gần 2.130 m2 và bố trí thành 26 phòng; tại tầng 42, chủ đầu tư cũng tự ý mở rộng diện tích lên đến gần 2.130 m2 và bố trí thành 23 phòng. Còn tại tầng 42 (tầng mái), chủ đầu tư đã tự ý cơi nới, tăng thêm 2 tầng với diện tích hơn 562 m2/tầng.
Sai phạm nghiêm trọng khác đó là, chủ đầu tư đã xây dựng sai phép tại các tầng 2, 3, 4, 5 của hạng mục khối nhà chung cư thuộc tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà từ khu vực nhà trẻ, nhà sinh hoạt… thành 26 căn hộ/tầng, với tổng số 104 căn hộ xây dựng trái phép.
“Chính quyền Đà Nẵng bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng cũng như Ủy ban nhân dân cấp quận và các ban ngành liên quan là một trong những chủ thể chắc chắn phải chịu trách nhiệm cho việc xây dựng sai phạm này”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Hà, trước tiên, UBND cần phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành lập biên bản ghi nhận sự việc, hoàn thiện hồ sơ, làm việc với chủ đầu tư để xử lý các sai phạm. Trong trường hợp cần thiết, cần ngay lập tức tiến hành cưỡng chế việc xây dựng, rà soát lại tất cả những sai phạm của chủ đầu tư và hoàn thiện phương án xử lý toàn bộ sai phạm được phát hiện tại công trình.
Bên cạnh đó, chính quyền Đà Nẵng cũng cần có sự bố trí hợp lý cho người dân khi yêu cầu họ di dời khỏi những căn hộ sai phạm. Có sự phối hợp các sở, ngành tiếp tục thực hiện việc xử lý nghiêm, đúng quy trình chuyên môn, đảm bảo an toàn về con người-tài sản, tuân thủ đúng quy định của pháp luật đối với quá trình xử lý sai phạm của Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên và tháo dỡ hạng mục sai phạm tại công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, cần kiểm điểm những chủ thể đã lơi lỏng trong công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý dẫn đến sự chậm trễ trong việc xử lý những sai phạm trên.
“Pháp luật được xây dựng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân giao dịch ngay tình. Trong trường hợp người mua nhà không biết dự án được xây dựng sai phép, pháp luật cần bảo vệ quyền lợi của họ thay vì bắt họ phải chịu những sai phạm của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước.
Sai phạm tồn tại trong suốt một thời gian dài sau đó mới xử lý. Như vậy, rõ ràng trách nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương là rất lớn, cần xử lý những hành vi này một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những sai phạm của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan”, LS Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Với những người dân đã mua căn hộ, theo vị luật sư, chính quyền địa phương phải làm việc với chủ đầu tư cùng người dân, để qua đó đưa ra các phương án đền bù thỏa đáng, tránh gây thêm khó khăn cho cuộc sống của họ.
Minh Thư