Trên thế giới, để đối phó với đại dịch Covid-19 (do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra), nhiều thành phố đã tiến hành phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của virus này. Giải pháp này cứu được mạng sống của nhiều người. Nhưng trong bối cảnh đó, nếu thiếu một số biện pháp đi kèm thì phụ nữ và trẻ em ở nhiều nơi đứng trước nguy cơ hứng chịu bạo lực gia tăng trong gia đình.
Nhóm phụ nữ và trẻ em bị bạo hành gia đình thường không trốn tránh được những kẻ hành hung họ trong thời gian phong tỏa, cách ly, kể cả ở Italy, Đức, Brazil, hay Trung Quốc. Cả các nạn nhân lẫn các nhà hoạt động bảo vệ nhóm yếu thế này lẫn đều nhận thấy tình trạng bạo lực gia đình gia tăng một cách đáng báo động.
Bạo lực liên quan đến dịch Covid-19
Chẳng hạn, tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi dịch Covid-19 khởi phát, các nhà hoạt động xã hội cho hay các vụ trình báo bạo lực gia đình lên cảnh sát đã tăng hơn 3 lần tại một địa phương ở đây trong thời kỳ phong tỏa hồi tháng 2/2020, từ 47 vụ vào năm 2019 lên 162 năm 2020.
Wan Fei – một cảnh sát về hưu và sáng lập ra quỹ từ thiện vận động chống bạo lực gia đình chia sẻ với trang web “Sixth Tone” (thanh điệu thứ 6) rằng “dịch bệnh đã có tác động lớn lên bạo lực gia đình”. Người này tiết lộ: “Theo số liệu của chúng tôi, 90% nguyên nhân bạo lực trong thời kỳ này là liên quan đến dịch Covid-19”.
Mẫu bạo lực này lặp lại ở nhiều nước trên thế giới. Ở Brazil, một trung tâm cưu mang người cơ nhỡ đã chứng kiến sự tăng vọt số lượng người đến nương tựa có liên quan đến việc cách ly phòng SARS-CoV-2, theo hãng truyền thông Globo của Brazil.
Adriana Mello, một thẩm phán ở Rio de Janeiro chuyên về bạo lực gia đình cho hay, tình trạng bạo lực gia đình đã gia tăng tới 40-50%.
Chính quyền khu vực Catalan (Tây Ban Nha) cho biết, các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp đã tăng 20% trong những ngày đầu tiên của thời kỳ phong tỏa.
Gia tăng lời kêu cứu
Còn ở đảo quốc Síp, các cuộc gọi tương tự cho đường dây nóng hoạt động 24/24 đã gia tăng 30% trong tuần ngay sau ngày 9/3, khi hòn đảo này ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Nhưng người ta mới chỉ ghi chép được các trường hợp mà phụ nữ có thể cầu cứu từ bên ngoài. Nhiều phụ nữ đã không thể gọi điện do sợ các gã vũ phu có thể nghe lỏm được, hoặc không thể tới trung tâm được do bị ngăn ra khỏi nhà.
Còn ở Italy, giới hoạt động xã hội cho hay các cuộc gọi tới đường dây trợ giúp đã giảm đáng kể nhưng thay vào đó, họ lại nhận được thêm nhiều các tin nhắn và email.
Lella Palladino thuộc nhóm EVA Cooperativa chuyên vận động ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ, cho biết có một phụ nữ khóa trái cửa phòng tắm và gửi tin nhắn kêu cứu đến cho họ. Palladino cho rằng một khi các giới hạn đi lại và phong tỏa được dỡ bỏ dần, sẽ có thêm nhiều vụ trình báo về bạo lực gia đình.
Mara Bevilaqua, một nhà hoạt động cho trung tâm tránh trú Casa Lucha y Siesta ở Rome (Italy) nói rằng các trung tâm như thế này mở rộng cửa với phụ nữ, cho phép họ liên lạc bằng nhiều phương tiện. “Số điện thoại di động của chúng tôi mở liên tục và phụ nữ có thể liên lạc với chúng tôi qua email hay Facebook”.
Hành lang pháp lý để bảo vệ phụ nữ trước bạo lực trong mùa dịch
Ở Tây Ban Nha, các quy định về phong tỏa là cực kỳ nghiêm ngặt, nhiều người đã bị phạt do vi phạm. Tuy nhiên chính quyền Tây Ban Nha thông báo với phụ nữ rằng họ sẽ không bị phạt nếu rời khỏi nhà để trình báo các vụ bạo lực gia đình.
Vào ngày 19/3, Tây Ban Nha chứng kiến vụ bạo lực gia đình gây chết người đầu tiên kể từ thời điểm việc phong tỏa bắt đầu 5 ngày trước đó, khi một nam giới đã sát hại vợ mình ngay trước mặt con cái của họ ở tỉnh duyên hải Valencia.
Marcy Hersh, quản lý cấp cao tại trung tâm Women Deliver, cho biết chuyện này thường xuyên xảy ra trong các tình huống khủng hoảng.
Tại nhiều nước đã có những lời kêu gọi sửa đổi pháp lý hoặc chính sách để phản ánh thực trạng phụ nữ và trẻ em gặp phải nhiều vấn đề trong gia đình khi cách ly.
Ở Anh, lãnh đạo của đảng Quyền bình đẳng của Phụ nữ, đã kêu gọi trao thêm quyền cho cảnh sát để họ có thể tống những kẻ bạo hành ra khỏi nhà trong thời kỳ phong tỏa.
Một công tố viên ở Trennto, Italy, đã phán rằng trong các tình huống bạo lực gia đình, kẻ hành hung phải rời khỏi gia đình, chứ không phải là nạn nhân – quyết định này được Công đoàn Italy hoan nghênh là mang tính “căn bản”.
Trong một thông cáo, Công đoàn Italy nhấn mạnh: “Việc phải quanh quẩn trong nhà do virus corona đã là điều khó khăn với mọi người, nhưng đối với các nạn nhân nữ của bạo lực giới thì đây là ác mộng thực sự”.
Chốn an toàn
Ở Đức, lãnh đạo trong quốc hội của đảng Xanh, Katrin Göring-Eckardt, cho biết bà lo sợ cho sinh mạng của hàng ngàn phụ nữ bị nhốt chung với các kẻ bạo lực và bà kêu gọi chính phủ cung cấp tiền cho các nhà an toàn dùng làm nơi tránh trú cho phụ nữ bị bạo lực.
Chính trị gia này nói với truyền thông Đức như sau: “Không gian trong các nhà an toàn đó vốn đã chật chội vào lúc bình thường”. Bà hối thúc giới chức Đức xem xét chuyển đổi các khách sạn và nhà trọ trống trơn thành chốn an toàn, và dỡ bỏ điều kiện ra ngoài nhà đối với những phụ nữ yếu thế.
Người làm phó cho Katrin Göring-Eckardt, Katja Dörner, cho biết nên duy trì việc kiểm tra các ngôi nhà nơi nghi có tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bất chấp quy định về tránh tiếp xúc.
Cảnh sát ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ mới đây cũng đã lập một đường dây hỗ trợ các trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình sau khi các vụ như vậy gia tăng ở đây.
Một tờ báo ở Ấn Độ đăng một bài quảng bá trên trang nhất với dòng chữ “Trấn áp virus corona chứ không phải tiếng nói của bạn”. Cảnh sát hứa hẹn cử một nữ cảnh sát đến giúp đỡ mỗi trường hợp.
Ở Hy Lạp, các quan chức cho hay họ đang đẩy mạnh một chiến dịch giúp đỡ phụ nữ ứng phó với thực trạng bạo lực gia đình gia tăng liên quan đến việc phong tỏa và cách ly./.
Trung Hiếu
Nguồn: Guardian