PVOil lỗ kỷ lục
Cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) trong phiên 28/4 đã giảm phiên thứ 2, mất thêm 4,05% còn 7.100 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh tại mã này đạt 1,33 triệu đơn vị.
Diễn biến tại OIL trở nên tiêu cực sau khi doanh nghiệp này công bố khoản lỗ khủng hơn 530 tỷ đồng trong quý 1/2020, ghi nhận tình trạng lỗ nặng nề nhất kể từ sau khi cổ phần hoá.
Doanh thu của OIL trong kỳ tuy tăng nhẹ 4% lên 17.684 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán lại cũng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn, tăng 8% lên 17.620 tỷ đồng dẫn đến lãi gộp “bốc hơi” 89% so với cùng kỳ, chỉ còn 64 tỷ đồng.
Chưa hết, lỗ từ liên doanh, liên kết cũng tăng gấp đôi lên 15 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 9% lên 430 tỷ đồng. Lỗ thuần cả quý là 530 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi thuần 30 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 423 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 32 tỷ đồng).
Công ty này cho biết do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới trong quý 1 làm sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa giảm khoảng 11%, sản lượng bán lẻ giảm 6%. Giá xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 4 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán ngày 31/3, do vậy, PVOIL đã tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 274,7 tỷ đồng riêng công ty mẹ và 433 tỷ đồng khi hợp nhất.
Trong một thông cáo gần đây về việc cựu cán bộ PVOIL là ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc và ông Vũ Trọng Hải - nguyên Kế toán trưởng bị khởi tố điều tra về tội lạm dụng chức quyền, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản (vụ án tại Oceanbank giai đoạn 2), tổng công ty này cho biết, đây là vấn đề liên quan đến cá nhân của hai bị can nói trên. Đồng thời khẳng định, doanh nghiệp luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về tài chính cũng như quản lý dòng tiền.
Lãnh đạo PVOIL cho biết, cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác ở trong nước cũng như nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và kinh doanh xăng dầu, tổng công ty này đang bị thiệt hại rất lớn do đại dịch Covid-19 toàn cầu dẫn đến phải chịu tác động kép của việc giá xăng dầu lao dốc trong khoảng thời gian rất ngắn (từ xấp xỉ 70 USD/thùng vào đầu tháng 2/2020 tụt xuống chỉ còn khoảng 20 USD/thùng vào cuối tháng 3/2020) và sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ (giảm khoảng 20%).
Đây không chỉ là thời gian khó khăn nhất kể từ khi PVOIL tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2018 mà kể cả từ khi thành lập vào năm 2008 đến nay.
PVOIL và các đơn vị thành viên đã phải tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó và tiết giảm chi phí theo 3 kịch bản, tương ứng với sản lượng kinh doanh sụt giảm tới 10% so với kế hoạch; sụt giảm tới 20% so với kế hoạch; sụt giảm tới 30% và thậm chí hơn 30% so với kế hoạch.
Giới đầu tư quay lưng với cổ phiếu trước kỳ nghỉ
Trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch ngày 28/4, chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều diễn biến dưới đường tham chiếu. VN-Index đóng cửa mất 3,56 điểm tương ứng 0,46% còn 767,21 điểm còn HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,04% còn 106,26 điểm. UPCoM-Index ngược lại tăng 0,14 điểm tương ứng 0,27% lên 52,11 điểm.
Nhà đầu tư tỏ ra không còn mấy mặn mà với cổ phiếu trong bối cảnh thị trường đã bước vào những phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ 4 ngày. Thanh khoản đạt 219,39 triệu cổ phiếu tương ứng 3.663,58 tỷ đồng trên HSX và 40,49 triệu cổ phiếu tương ứng 289,86 tỷ đồng trên HNX. UPCoM có 11,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch là 129,76 tỷ đồng.
Riêng mức thanh khoản trên HNX chủ yếu là nhờ diễn biến giao dịch tại KLF. Mã này tăng trần lên 2.200 đồng và được khớp lệnh rất mạnh, tới 14,35 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá, song chênh lệch không đáng kể. Có tổng cộng 345 mã giảm và có 46 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch, con số tăng là 305 mã và có 52 mã tăng trần.
Tuy nhiên, chỉ số chính lại chịu áp lực đáng kể do tình trạng giảm giá diễn ra tại những mã có vốn hoá lớn. Dễ thấy điều này qua việc VN30-Index giảm 3,92 điểm tương ứng 0,54%, mức thiệt hại rõ ràng nặng hơn VN-Index.
Trong nhóm này, SAB và VNM là hai “tội đồ” lớn nhất của chỉ số chính, lần lượt gây thiệt hại 1,83 điểm và 1,14 điểm.
Theo đó, SAB giảm tới 10.000 đồng còn 170.000 đồng; VNM giảm 2.300 đồng còn 100.500 đồng. Bên cạnh đó, GAS giảm 1.400 đồng còn 62.800 đồng, MWG giảm 1.300 đồng còn 80.900 đồng. BHN cũng giảm 1.000 đồng còn 56.000 đồng. VRE, HPG, PLX, HVN, VJC, BVH đều mất giá.
Chiều ngược lại, MSN, POW, CTG, VCB, DHG, VHM, NVL, MBB… tăng giá, song với mức tăng nhẹ, ảnh hưởng của những mã này lên diễn biến thị trường chung là không đáng kể.
Theo đánh giá của VCBS, phiên hôm qua chứng kiến xu hướng dao động trong biên độ hẹp của VN-Index. Mặc dù chỉ số đóng cửa giảm nhẹ nhưng thanh khoản nhìn chung vẫn duy trì tương đối dồi dào cả về khối lượng và giá trị, cho thấy dòng tiền đã dần quay trở lại thị trường và bắt đầu manh nha xuất hiện một sự chuyển giao vị thế nắm giữ cổ phiếu từ nhà đầu tư ngắn hạn sang nhà đầu tư trung - dài hạn.
Xu hướng chung của chỉ số trong một số phiên gần đây vẫn đang là giằng co trong biên độ vừa phải và dòng tiền vẫn đang có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành và các nhóm vốn hóa để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho giai đoạn nửa cuối năm nay.
VCBS vẫn cho rằng, việc giải ngân tại thời điểm này sẽ vẫn phù hợp hơn với mục tiêu đầu tư dài hạn, đặc biệt là một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.
Mai Chi