Đang gửi tiền online bị cướp tiền tỷ

Đang gửi tiền online bị cướp tiền tỷ
Hàng loạt vụ lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng bị tố giác khiến nạn nhân mất tiền tỷ dấy lên lo ngại cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Bà Hạnh cho biết liên tục nhận được tin báo trúng thưởng và chuyển cho nhân viên ngân hàng vẫn chăm sóc mình biết

Mất gần 700 triệu, “van xin” mới được khóa tài khoản

Phản ánh với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Hạnh (trú tại Hà Nội - tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết, vừa bị lừa mất gần 700 triệu đồng gửi theo hình thức tiết kiệm online tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Vụ việc xảy ra vào thời điểm cuối buổi chiều - giờ tan tầm (lúc 16h30), thời điểm ngân hàng đóng cửa. Khi đó, bà Hạnh đã nhận được tin nhắn từ số máy lạ với tiêu đề “Ngân hàng VPBank thông báo chúc mừng Nguyễn Hạnh nhận được iPhone XS qua chương trình Cắt bánh nhận quà”. Số điện thoại lạ đã gửi đường link vào số điện thoại của bà Hạnh. Vì bà Hạnh là khách VIP của ngân hàng, gửi tiền tại VPBank rất nhiều năm nên cũng thường nhận được các chương trình ưu đãi, quà tặng, chăm sóc.

Click vào đường link, bà Hạnh không nghi ngờ gì khi giao diện hiện ra tải app VPBank. Bà Hạnh tiếp tục click thì màn hình hiện yêu cầu gửi mã OTP Cắt bánh sinh nhật. Sau khi gửi hai lần mã OTP thì điện thoại của bà thông báo giảm 25 triệu đồng trong tài khoản. Hốt hoảng gọi cho nhân viên ngân hàng vẫn thường chăm sóc giao dịch của bà các năm qua thì nhân viên này từ chối khóa tài khoản và hướng dẫn lòng vòng sang nhân viên khác. Cho tới khi số tiền bị mất lên tới gần 695 triệu đồng, bà Hạnh phải gọi điện cho nhân viên vẫn chăm sóc mình, van xin thì nhân viên này tài khoản mới được khóa.

Lần theo “vết” các giao dịch, các thông tin về tên, số tài khoản và ngân hàng nhận số tiền của bà Hạnh đều rất rõ ràng. Bà Hạnh cho biết đã làm việc với Ngân hàng VPBank, đồng thời làm đơn trình báo lên Công an TP Hà Nội.

Một trường hợp khác, cũng là một khách hàng của VPBank - chị Ng.K.M (trú tại Hà Nội) cũng bị kẻ gian giả mạo ngân hàng gửi tin nhắn trúng thưởng tới số điện thoại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhưng do không gửi tiết kiệm online mà gửi tiết kiệm bằng sổ truyền thống nên kẻ gian không rút trực tiếp được tiền trong sổ mà dùng sổ này để cầm cố nhằm thực hiện giao dịch vay online tại VPBank với số tiền 450 triệu đồng.

Đã hình thành những nhóm tội phạm chuyên nghiệp

Thông tin với Báo Giao thông, đại diện VPBank cho biết, cả hai trường hợp trên VPBank đang phối hợp với cơ quan công an điều tra. “Kết quả sẽ phải chờ từ bên cơ quan điều tra”, đại diện ngân hàng này nói.

Với phản ánh của chị Hạnh liên quan tới việc chậm trễ hỗ trợ khóa thẻ của nhân viên ngân hàng dẫn tới số tiền thiệt hại lớn, đại diện VPBank cho biết, cần kiểm tra lại vụ việc cụ thể, có thể tại thời điểm chị Hạnh gọi điện, nhân viên chăm sóc khách hàng VIP nói trên đang đi ngoài đường và bản thân người đó không được trực tiếp thao tác khóa tài khoản của khách hàng mà sẽ do một bộ phận khác thực hiện theo đúng quy trình (yêu cầu khách hàng cung cấp một số thông tin như số điện thoại, số chứng minh thư, thông tin giao dịch gần nhất…).

“Đáng nói, đến nay hầu hết vụ việc đều được thông tin sau khi khách hàng bức xúc phản ánh mà không phải sự chủ động thông tin từ phía các ngân hàng. Điều này đặt dấu hỏi về trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong việc thông tin những vụ việc, thủ đoạn cụ thể để cảnh báo kịp thời đến khách hàng.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra thời gian qua. Tình trạng khách hàng bị “thò tay” vào ví tiền - đang được ngân hàng giữ hộ không còn là hiện tượng cá biệt. Thông tin khách hàng A. sử dụng dịch vụ của ngân hàng B. bất ngờ phát hiện tiền trong tài khoản bỗng nhiên bốc hơi thi thoảng lại xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội làm không ít khách hàng dấy lên lo ngại khi “chọn mặt gửi tiền”.

Rất nhiều vụ việc cho thấy, đã hình thành những băng nhóm tội phạm, hoạt động chuyên nghiệp, bài bản trong lĩnh vực này. Đơn cử như vụ án đang được Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thụ lý. 5 đối tượng trú trên địa bàn huyện Duy Xuyên giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho các chủ tài khoản để thông báo việc trúng thưởng các chương trình, khuyến mãi của ngân hàng hoặc đang có khoản tiền mới chuyển nhưng do lỗi nên đang bị treo hệ thống. Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp các mã xác minh, mã trúng thưởng... .

Đây thực chất là mã OTP được ngân hàng gửi về số điện thoại đăng ký nhưng khách hàng chủ quan không để ý nên nhiều người đã nhắn mã OTP theo yêu cầu của đối tượng và bị kẻ gian chuyển khoản tiền đến các tài khoản ngân hàng của cá nhân kinh doanh thẻ cào, tiền ảo, tiền game... hoặc nạp tiền vào tài khoản ví điện tử.

Đáng chú ý, có không ít vụ lừa đảo có sự tham gia, tiếp tay của chính nhân viên ngân hàng, điển hình như vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Công an Phú Thọ phát hiện mới đây (6/12). Hai nhân viên đã truy cập vào mạng nội bộ của BIDV, thông qua bạn bè trong ngành ngân hàng để lấy thông tin của khách hàng tại nhiều ngân hàng khác nhau để bán cho các đối tượng lừa đảo.

Chị M. khách hàng của VPBank trong vụ việc nêu trên cũng cho biết, quá trình thực hiện vụ lừa đảo hơn 460 triệu đồng của chị, kẻ gian đã gọi điện đọc rõ số tài khoản, tên, tuổi, địa chỉ… thậm chí còn biết chị M. vừa đổi tên mới. Điều này khiến chị M. nghi ngờ thông tin cá nhân của mình đã bị lộ, lọt từ trước.

Theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng, các nhân viên ngân hàng có quyền truy cập các mạng nội bộ, biết được thông tin cá nhân của khách hàng, thông tin về tài khoản và cả các mẫu chữ ký của khách hàng. Trong trường hợp nhân viên “tuồn” thông tin ra ngoài, kẻ gian có thể làm giả chữ ký, giả con dấu, giả ủy nhiệm chi… để được ngân hàng cho phép rút hoặc chuyển tiền.

Cao Sơn

Tags: Tiền Gửi Onlines Bị Cướp Tiền Tỷ Ngân Hàng Giả Mạo