Đấu giá “băng tần kim cương” dành cho di động

Đấu giá “băng tần kim cương” dành cho di động
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm thực hiện việc quy hoạch và đấu thầu đối với tần số 700 MHz.

Khó khăn lớn với Viettel hiện nay là thiếu băng tần cho phát triển thuê bao 4G và 5G. Ảnh: Đức Thanh

Nhà mạng khát băng tần

Hiện các mạng 2G, 3G, 4G đang sử dụng băng tần 850/900 MHz, 1.800 MHz và 2.100 MHz cho di động. Trong đó, 4G được chính thức cung cấp tại Việt Nam từ năm 2017 trên băng tần 1.800 MHz, chung với mạng 2G. Đến nay, xu hướng tiêu dùng dữ liệu di động bùng nổ, các nhà mạng đang thiếu băng tần, nên tốc độ mạng chậm. Trong khi đó, việc đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, nhà mạng này không còn đủ băng tần cho phát triển các thuê bao 4G. Viettel hiện có 130.000 trạm phát sóng, trong đó có 50.000 trạm 4G.

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về data, mới đây, Viettel đã bổ sung thêm gần 10.000 trạm BTS 4G trên băng tần 21.00 MHz. Cùng với đó, Viettel đang tiến hành giải phóng các thuê bao 2G ra khỏi băng tần 1.800 MHz, để dành toàn bộ băng tần này cho cho mạng 4G. Khi hoàn tất, dung lượng toàn mạng 4G tốc độ cao của Viettel sẽ tăng thêm 25% so với hiện tại.

Tuy nhiên, số băng tần trên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng 4G và tới đây là mạng 5G của Viettel. Chính vì vậy, Viettel kiến nghị sớm đấu thầu băng tần 700 MHz và 2,6 GHz để đưa vào sử dụng, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ di động.

Còn VNPT hiện có tổng số hơn 76.000 trạm BTS, trong đó có 30.000 trạm 4G. VNPT đang thí điểm 5G tại Hà Nội, giai đoạn II dự kiến thử nghiệm tại 3 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang). Cùng với đó, VNPT hợp tác với các hãng công nghệ thử nghiệm công nghệ NB-IoT (công nghệ phát triển dành cho thiết bị kết nối vạn vật) ở băng tần 900 MHz và 1.800 MHz.

VNPT cũng nhiều lần đề xuất triển khai 4G trên băng tần 700 MHz. Theo đó, lãnh đạo VNPT cho rằng, việc triển khai 4G trên băng tần này sẽ giảm được chi phí vốn và chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Một trong các phương án khai thác băng tần 700 MHz là các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ Internet vạn vật giá rẻ, đáp ứng hầu hết các nhu cầu dịch vụ, giải trí trong cuộc sống cho người dân, doanh nghiệp...

Một nhà mạng khác là Vietnammobile cũng liên tiếp gửi văn bản đề nghị được phân bổ thêm băng tần. Mới đây nhất, Vietnammobile đề nghị được phân bổ thêm băng tần 850 MHz và kiến nghị Chính phủ có chính sách hợp lý, thỏa đáng trong đấu thầu tần số 2.600 MHz để có cơ hội được sử dụng băng tần này.

“Việc không đủ và hạn chế về băng tần đã cản trở Vietnamobile thu hút khách hàng mới, cản trở việc khuyến khích sử dụng dữ liệu của thuê bao hiện tại”, bà Nguyễn Hiền Phương, Phó tổng giám đốc Vietnamobile cho biết.

Cứu cánh 700 MHz

Trong lúc các nhà mạng đang rất “khát” băng tần, thì hiện tại, băng tần 700 MHz đã giải phóng gần xong. Sau khi kết thúc quá trình số hóa truyền hình trước ngày 31/12/2020, gồm các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc và Tây Nguyên, toàn bộ băng tần 700 MHz sẽ được giải phóng. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng kế hoạch cung cấp băng tần này cho các nhà mạng di động.

Tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông quý III/2019 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, ngay trong quý IV/2019, sẽ đấu thầu xong băng tần 2,6 GHz để nâng cao chất lượng mạng 4G, đồng thời thực hiện quy hoạch và đấu thầu đối với tần số 700 MHz.

Theo ông Lương Xuân Trường, Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông), sử dụng băng tần 700 MHz sẽ giúp nhà mạng giải quyết được bài toán mở rộng vùng phủ sóng ở cả khu vực thành thị, nông thôn và miền núi. Trong bối cảnh băng tần 900 MHz vẫn tiếp tục được sử dụng chủ yếu cho các mạng 2G - 3G, thì băng tần 700 MHz có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển mạng 4G và 5G, giúp nhà mạng có thể cung cấp được dịch vụ giá rẻ hơn cho người dùng. Như vậy, băng tần 700 MHz được coi là băng tần “kim cương” vì có giá trị thương mại cao.

Còn theo ông Tào Đức Thắng, băng tần 700 MHz có chi phí thiết lập mạng chỉ bằng 1/3 so với các băng tần khác. Trong khi đó, 700 MHz dự tính có vùng phủ cao gấp 2 lần so với các băng tần từ 1.800 MHz trở lên, nên sẽ giúp nhà mạng thuận lợi hơn khi triển khai mạng lưới di động tại cả thành phố, khu vực nông thôn, vùng sâu xa.

Trên thế giới hiện nay, băng tần 700 MHz đã được sử dụng cho 4G để nâng cao dung lượng và được xem là giải pháp đặc biệt hữu ích cho mục đích này ở các vùng nông thôn hoặc ở đường biên các vùng phủ sóng. Gần đây, các nhà hoạch định chính sách nhiều nước đã quy hoạch băng tần 700 MHz cho mạng 5G. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), hiện nay, châu Âu và trên 50 quốc gia khác (với khoảng 4 tỷ dân số toàn cầu) đã có định hướng hoặc đã quy hoạch băng tần 700 MHz. Trong đó, 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấp phép sử dụng băng tần này cho thông tin di động 4G - 5G.

Chính vì vậy, băng tần 700 MHz đang rất được các nhà mạng ngóng đợi, với kỳ vọng thoát khỏi tình trạng “thừa xe, nhưng không có đường để đi”.

Được biết, Cục Tần số vô tuyến điện đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành Quy hoạch băng tần 694 - 806 MHz (700 MHz) cho hệ thống thông tin di động IMT tại Việt Nam.

Hữu Tuấn 

 

 

 

 

 

 

 

Tags: Băng Tần Dành Cho Di Động Đấu Giá Nhà Mạng Viettel