Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 ước tính đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng Một ước tính nhập siêu 100 triệu USD.
Điều này là dễ hiểu khi tháng đầu năm, với các kỳ nghỉ lễ kéo dài, hoạt động xuất nhập khẩu phần nào bị ảnh hưởng. Đây cũng là thời điểm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh, chuẩn bị cho dịp Tết, nên dễ dẫn đến nhập siêu.
Con số cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 19,0 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,31 tỷ USD, giảm 23,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,69 tỷ USD, giảm 11,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2020 giảm 14,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,7%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm khá mạnh là hàng dệt may - đạt 2,6 tỷ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện - đạt 2,6 tỷ USD, giảm 22,4%; giày dép - đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng - đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6,5%. Ngược lại, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng, như điện tử, máy tính và linh kiện - đạt 2,6 tỷ USD, tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm gỗ - đạt 1 tỷ USD, tăng 1,4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8%; thị trường EU đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30,8%; ASEAN đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 15,8%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 29,3%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, giảm 14,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,4 tỷ USD, giảm 11,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính giảm 11,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,7%. Cùng với việc công bố số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố số liệu chính thức về thương mại hàng hóa năm 2019.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019 đạt 517,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 264,2 tỷ USD, cao hơn 738 triệu USD so với ước tính, tăng 8,4% so với năm trước. Còn kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là 253,1 tỷ USD, thấp hơn 437 triệu USD so với số ước tính, tăng 6,8% so với năm trước.
Với kết quả này, xuất siêu năm 2019 đã đạt mức kỷ lục, lên tới 11,1 tỷ USD, tương đương 4,2% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn khá nhiều so với con số gần 10 tỷ USD ước tính trước đó. Điều đáng nói là trong khi khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, xuất siêu 36,6 tỷ USD, thì khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu 25,5 tỷ USD. Trong tháng 1/2020, nhập siêu đã quay trở lại, với con số ước tính là 100 triệu USD. Khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, tiếp tục xuất siêu, với 2,3 tỷ USD, còn khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu, với 2,4 tỷ USD.
Hà Nguyễn