Ảnh minh họa
Điều hành tỷ giá được các chuyên gia ghi nhận là một trong những thành công lớn nhất của NHNN trong mấy năm gần đây khi mà tỷ giá, thị trường ngoại hối trong nước luôn được duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ đảm bảo, mọi nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp đều được đáp ứng đầy đủ bất chấp việc thị trường tài chính toàn cầu và đồng bạc xanh biến động liên tục. Nhờ đó, VND được các tổ chức quốc tế ghi nhận là một trong số ít các đồng tiền duy trì được giá trị ổn định so với đồng USD trong mấy năm gần đây.
Không chỉ vậy, với cơ chế tỷ giá trung tâm được điều hành có tăng, có giảm theo sát diễn biến cung – cầu của thị trường trong và ngoài nước đã giảm thiểu tâm lý găm giữ ngoại tệ. Qua đó giúp NHNN liên tục mua ròng ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Thông tin từ Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 hôm 2/1/2020, trong năm vừa qua, NHNN đã mua vào tới 20 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, nâng quy mô dự trữ lên tới 79,9 tỷ USD – một con số kỷ lục khi tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm 2015, và tăng gấp 6 lần so với năm 2011.
“Đây là tấm đệm phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị này, chúng ta còn thấy được công tác quản lý quỹ dự trữ ngoại hối của NHNN. Theo đó, lần đầu tiên, thay vì chỉ công bố mức dự trữ ngoại hối quốc gia, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tiết lộ thêm: “Công tác quản lý dự trữ ngoại hối đã đảm bảo mục tiêu theo chỉ đạo đúng quy định của Chính phủ là an toàn thanh khoản và sinh lời tức là có hiệu quả về kinh tế…”. Hiệu quả kinh tế ở đây là NHNN dùng ngoại hối này gửi tại các TCTD quốc tế, trong nước thu lãi gần 20.000 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: NHNN luôn đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc quản lý theo quy định, đảm bảo được khả năng thanh toán quốc tế và mục tiêu sinh lời trong đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước. Đặc biệt NHNN luôn bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để có điều chỉnh phù hợp.
Đơn cử, đối với loại ngoại tệ đầu tư, NHNN điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ của một số ngoại tệ như tăng dần tỷ lệ đồng USD và giảm dần tỷ lệ đồng EUR trong bối cảnh lãi suất đồng EUR và JPY đang ở mức âm; tăng dần tỷ lệ đồng AUD và CAD. Điều này đã giúp NHNN giảm thiểu những tác động bất lợi trên thị trường quốc tế và nâng cao mức sinh lời khi đầu tư vào các loại ngoại tệ mới tiềm năng...
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) định nghĩa dự trữ ngoại hối là tài sản ngoại tệ mà cơ quan tiền tệ của một quốc gia có thể sử dụng để đáp ứng cân bằng nhu cầu thanh toán tài chính, có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trên thị trường tiền tệ và các mục đích khác có liên quan.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay việc gia tăng quy mô Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia rất quan trọng. Quỹ đủ lớn không chỉ đảm bảo cho các khoản chi trả quốc tế mà còn có thể được sử dụng để bảo vệ một quốc gia khỏi các cuộc tấn công đầu cơ vào đồng tiền nước mình khi chiến tranh tiền tệ xảy ra.
Theo công bố của IMF tháng 1/2019 dựa trên báo cáo của 149 quốc gia thành viên, dữ liệu về tình hình dự trữ ngoại hối (COFER) cho thấy: USD vẫn chiếm vị thế áp đảo trong cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc tế, chiếm 61,94% (vào quý III/2018); tiếp sau là euro (chiếm 20,26% vào quý II/2018). Quỹ dự trữ ngoại hối một quốc gia bao gồm nhiều loại tiền tệ và vàng.
Hiện Trung Quốc là nước có quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất (tháng 11/2019 đạt 3.101 tỷ USD); tiếp đứng sau là một số quốc gia như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Ảrập Xê út, CHLB Nga, Hàn Quốc… Thời điểm tháng 5/2018, với trên 63 tỷ USD Việt Nam nằm trong nhóm 50 quốc gia có dự trữ ngoại hối cao trong tổng số gần 200 quốc gia công bố Quỹ dự trữ ngoại hối.
Hà An