Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Ấn Độ, bất chấp dịch COVID-19

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Ấn Độ, bất chấp dịch COVID-19
Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều loại nông sản sang Ấn Độ, đặc biệt là các loại gia vị, hương liệu thực phẩm.

Tiềm năng chưa được khai thác hết

Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), gần đây, người dân và doanh nghiệp Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của Việt Nam. Cụ thể là cá basa Việt Nam được nuôi trồng theo tiêu chuẩn, có giá trị cạnh tranh cao nên được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng.

"Trái thanh long Việt Nam do ngon hơn thanh long của nhiều nước khác nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng – khách sạn, thậm chí cả ở những tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ" - ông Vũ Bá Phú nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cũng chỉ ra rằng, nhiều sản phẩm khác của Việt Nam như trái vải miền Bắc, trái chôm chôm từ các miệt vườn lớn phía Nam Việt Nam dù thuộc danh mục các loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt đã được nhiều người Ấn Độ biết đến và yêu thích vẫn chưa được mở đường vào Ấn Độ.

Ấn Độ đánh giá cao nhiều loại nông sản của Việt Nam

Theo ông Atul Kumar Saxena - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), nhiều sản phẩm của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Ấn Độ như càphê, chè, hạt điều, ca cao, gia vị, gạo, đường, nước dừa, bánh quy, thanh long, sản phẩm chế biến từ quả me…

“Việt Nam rất nổi tiếng vì xuất khẩu nhiều loại gia vị, hương liệu thực phẩm như tiêu đen, hồi, thảo quả… Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chế biến sâu hơn và đóng gói thành sản phẩm gia vị masala đơn vị hoặc đa vị có thương hiệu rõ ràng. Mặt hàng này có nhu cầu rất lớn tại Ấn Độ.

Các loại gia vị, hương liệu masala của Pakistan từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ nhưng đang gặp khó khăn vì lệnh cấm giao thương Ấn Độ - Pakistan. Vì thế, thị trường gia vị, hương liệu thực phẩm tại Ấn Độ vẫn đang bỏ ngỏ. Các công ty Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiến vào thị trường Ấn Độ”, ông Atul Kumar Saxena cho biết.

Ông Atul Kumar Saxena cũng đưa ra thông điệp, với năng lực nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về gạo, các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường đầu tư xuất khẩu đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ gạo như bánh đa nem hơn là chỉ tập trung xuất khẩu gạo nguyên liệu thô.

Đối với mặt hàng càphê, Việt Nam có công nghệ sản xuất càphê 3 trong 1 chất lượng tốt nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược phù hợp để tiếp cận và phát triển tại thị trường Ấn Độ. Do đó, doanh nghiệp càphê Việt Nam cần tính toán chiến lược và kế hoạch phù hợp để thành công tại thị trường Ấn Độ.

KHÁNH VŨ

Tags: Xuất Khẩu Nông Sản Ấn Độ Covid-19 Nhập Khẩu Ấn Độ Thực Phẩm Đặc Sản Cá Basa Nuôi Trồng Caphe Chè Hạt Điều Ca Cao Gia Vị Gạo Đường Nước Dừa Bánh Quy Thanh Long Sản Phẩm Chế Biến Từ Quả Me Xuất Khẩu