Giới đầu tư dồn dập đón nhận những thông tin từ tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam: Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, từ sự ra mắt của Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart, thông tin tái cấu trúc các doanh nghiệp nội bộ cho đến kể hoạch đầu tư tỷ USD để bán xe điện vào thị trường Mỹ. Và mới nhất là đóng cửa Adayroi, trang thương mại điện tử của tập đoàn.
Theo đó, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức công bố trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Với động thái này, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ rút toàn bộ hoạt động ra khỏi mảng bán lẻ trực tiếp, khẳng định quyết tâm tối ưu hóa nguồn lực cho lĩnh vực trọng điểm là công nghệ và công nghiệp từ đầu năm 2020.
Đại diện của Vingroup cho biết đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp – công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ và sáp nhập Công ty nông nghiệp VinEco cho Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
“Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Vingroup cho hay.
Thông tin này đến chỉ sau vài ngày Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức ra mắt những mẫu tivi thông mình đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android TV được sản xuất tại Khu CNC Láng Hòa Lạc, Hà Nội và sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của hai ông lớn Samsung và Sony.
Trước đó 2 tuần, tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố 2 tin bất ngờ: bán mảng bán lẻ và dự kiến bán 10% cổ phần để có 2 tỷ USD tài sản cá nhân đầu tư vào dự án Vinfast và sẽ xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Với Vinfast, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, ít nhất là trong 5 năm tới, Vinfast chưa thể kinh doanh có lãi. Công ty sẽ phải tiếp tục bù lỗ cho những chiếc ô tô bán ra thị trường. Hiện, VinFast lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0, gần 169 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux SA2.0 và hơn 106 triệu đồng cho mỗi xe Fadil.
Theo báo cáo giá thành ngày 19/11, ngoài việc lỗ trên mỗi chiếc xe, VinFast cho biết công ty còn chịu khoảng 11.000 tỷ đồng chi phí khấu khao và chi phí tài chính mỗi năm. Toàn bộ các chi phí này đều được tính vào lỗ hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, chi phí lãi vay năm 2020 dự kiến gần 6.466 tỷ từ khoản gốc vay 86.254 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng mức đầu tư lũy kế cuối năm 2020 là 97.408 tỷ đồng nên chi phí khấu hao hơn 4.600 tỷ.
Mặc dù vậy, Vinfast sẽ sớm tung mẫu xe mới với mức giá được dự đoán ở tầm 600 triệu đồng trở lên, phân khúc B và C và tiết lộ khả năng sẽ sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một trong những nước cờ lớn trong chiến lược tái cơ cấu và phát triển của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Một mảng được Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng quan tâm phát triển mạnh là giáo dục đại học với VinUni, lần đầu tiên công bố chuẩn chất lượng rất cao và mức học phí lên tới 35.000 USD/năm, sau khi đã thành công vang dội với Vinschool ở các cấp học dưới.
Cũng ngay trong tuần cuối tháng 12 này, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ hoàn thành sáp nhập CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI). SDI sẽ hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCom vào ngày 27/12/2019 để hoán đổi cổ phiếu VIC.
Nhìn nhận một cách tổng quan, những động thái nêu trên chỉ là số ít trong số nhiều hoạt động nhằm chuyển giao quyền sở hữu cổ phần, tái cơ cấu quản lý tại các công ty con, công ty liên kết với Tập đoàn Vingroup.
Bởi nếu tính toán theo mốc thời gian, hoạt động này đã diễn ra từ đầu năm 2019 khi Vingroup đã chuyển nhượng 100% phần vốn tại hai công ty bất động sản vào thời điểm cuối quí I/2019.
Cụ thể, ngày 28/3, Vingroup bán vốn trong Công ty CP Đầu tư Bất động sản Prime Land (Công ty Prime Land) với tổng giá chuyển nhượng 2.610 tỷ đồng, khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng này là 1.612 tỷ đồng. Sau đó một ngày, Vingroup bán tiếp phần vốn tại CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi sao Phương Nam (Công ty Ngôi sao Phương Nam) với tổng giá chuyển nhượng 1.920 tỷ đồng, lãi từ giao dịch 1.124 tỷ đồng.
Với hai giao dịch này, Vingroup lãi 2.736 tỷ đồng, và được ghi nhận vào kết quả kinh doanh giữa niên độ.
Ở chiều ngược lại, Vingroup cũng đã mua lại hơn 34% cổ phần tại Công ty Mundo Reader, một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ (bao gồm cả điện thoại thông minh) có trụ sở tại Tây Ban Nha. Vingroup sau đó nâng sở hữu tại Công ty này lên 51%.
Những động thái này thể hiện sự trùng khớp với định hướng đưa Vingroup trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ được ông Võ Quang Huệ chia sẻ cách đây hơn 1 năm.
Cũng trong quý I/2019, Vingroup cũng đã chuyển nhượng 81,51% cổ phần tại Công ty CP Vinpearl cho Công ty VinCommerce, giá chuyển nhượng khi đó là 15.400 tỷ đồng. Phần chênh lệch giữa giá phí chuyển nhượng và giá trị tài sản thuần của Vinpearl là hơn 3.800 tỷ đồng, ảnh hưởng của giao dịch lên thặng dư vốn cổ phần 2.370 tỷ đồng được ghi nhận vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ngoài ra, Vingroup cũng nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix trị trị 1.000 tỷ đồng từ Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast. Việt Nam Grand Prix là đơn vị ký hợp đồng với Tập đoàn F1 đứng ra cùng chủ trì tổ chức Giải đua Công thức 1 và các sự kiện bên lề tại Hà Nội.
Các công ty con của Vingroup cũng cân đối lại việc phát triển các dự án bất động sản. CTCP đầu tư xây dựng Thái Sơn vừa bán 4 lô đất trong Khu đô thị Vinhomes Smart City cho Công ty Cổ phần HBI với giá gần 5,6 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã “đặt chân” vào các lĩnh vực trung gian thanh toán và thành lập Công ty Vinpearl Air hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
Vingroup và các doanh nghiệp con của ông Phạm Nhật Vượng trong vài năm qua đẩy mạnh mở rộng quy mô và và lĩnh vực hoạt động theo cấp số nhân, bên cạnh nguồn vốn từ phát hành trái phiếu và từ cỗ máy in tiền Vinhomes chuyên về bất động sản của Vingroup.
Trong năm 2018, Vingroup và các đơn vị thành viên đã huy động 4,2 tỷ USD từ các tổ chức quốc tế, còn nếu tính từ 2013 tới tháng 10/2019 thì con số vốn ngoại đã lên tới 7,6 tỷ USD. Vốn huy động gần đây đổ mạnh vào VinFast (sản xuất ô tô) và VinHomes. Khoản tiền lớn gần đây chính là gần 1 tỷ USD từ SK Group, hay thương vụ 500 triệu USD của Quỹ GIC của Chính phủ Singapore rót vào công ty mẹ của Vinmart (Vincommerce - đơn vị vận hàng hàng ngàn cửa hàng và hệ thống khoảng 115 siêu thị của Vingroup).
Huyền Anh