Tiền ảo để lại nhiều hậu quả khó lường
Báo cáo của Bộ TT-TT gửi Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc sử dụng giao dịch tài sản ảo, tiền ảo để lại những hậu quả khó lường, đặc biệt là ở giai đoạn cách mạng công nghệ số hóa phát triển mạnh như hiện nay, do đó việc hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cần thiết.
Dẫn chứng cụ thể từng điều luật trong các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, Bộ TT-TT cho hay, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng; Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Giao dịch điện tử… đều chưa có quy định trực tiếp về tài sản ảo, tiền ảo.
Cùng với đó, hiện nay, cũng không có quy định cụ thể cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo, mà chỉ có thể căn cứ quy định hiện hành để sử dụng biện pháp loại trừ trong quản lý.
“Vì vậy, cần cân nhắc đề xuất Chính phủ nghiên cứu việc quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo theo hướng cấm sử dụng giao dịch hàng hóa dưới bất cứ phương thức nào như: dưới dạng hàng hóa, dịch vụ hay dưới dạng là các phương tiện thanh toán thông qua một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để phù hợp với xu thế chung của toàn thế giới cũng như đặc điểm tình hình của Việt Nam”- Bộ TT-TT đề xuất.
Đối với bitcoin và các loại tiền ảo khác, Bộ TT-TT cho rằng, đây không phải là tiền tệ và cũng không phải là phương thức thanh toán tại Việt Nam.
Vì vậy, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo trên là vi phạm pháp luật của Việt Nam. Do đó, cần có quy định rõ một chế tài cụ thể, rõ ràng hơn trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm này.
Theo Thanh tra Bộ TT-TT, những năm gần đây, trên thế giới đã xuất hiện một số loại hình kinh doanh mới trên nền mạng Internet toàn cầu, trong đó có tiền ảo, tiền tệ kỹ thuật số dạng stablecoin (điển hình như Bitcoin, Etheraum, Litecoin, Swisscoin, Zcash, tiền ảo Libra của Facebook...);
Loại hình kinh doanh này phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến rửa tiền, tài trợ cho khủng bố, bảo vệ dữ liệu và là mối đe dọa cho chủ quyền quốc gia, đặt ra thách thức cho các Ngân hàng Trung ương, các nhà lập pháp, xây dựng và thực thi chính sách quản lý tiền tệ, đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.
Ở Việt Nam, việc giao dịch bằng tiền ảo cũng đang diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, trong đó có việc sử dụng tiền ảo trong các trò chơi trực tuyến.
Mới đây, lãnh đạo Bộ TT-TT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác hậu kiểm đối với các Công ty cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến; tăng cường công tác rà soát, phát hiện, xác minh, xử lý các cổng trò chơi điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội sử dụng tài nguyên Internet của Việt Nam có nội dung vi phạm, công khai quảng bá việc đổi tiền ảo ra tiền mặt; chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an xem xét, xử lý đối với các sản phẩm trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Điển hình như vụ việc: Công ty Cổ phần VTC Online sử dụng địa chỉ IP được cấp cho 2 trang web www.rikvip.com, www.23zdo.com cung cấp trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu tội phạm.
Hà Linh