Dự thảo Nghị quyết các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ được Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Chính phủ có nhiều đề xuất để kích cầu, giảm giá ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp ôtô đang đối diện tới thách thức lớn khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc khu vực ASEAN về 0% từ 1/1/2018 theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).
Trong khi đó, một số nước như Thái Lan, Indonesia... đều có chính sách giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện sản xuất, lắp ráp trong 3 năm. Chưa kể nhờ chính sách thuế và thu hút đầu tư hấp dẫn, họ được nhiều tập đoàn sản xuất ôtô lớn thế giới rót vốn, như Hyundai đầu tư 1,5 tỷ USD vào Indonesia năm 2020, Toyota mở rộng đầu tư sản xuất xe điện tại Thái Lan...
Nếu không có các ưu đãi đủ hấp dẫn, Việt Nam lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn ngành ôtô như vào những năm 2000 và ảnh hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp nội địa như Thaco, Thành Công, VinFast.
Do đó, dự thảo nghị quyết đưa ra yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện về 0% và không áp thuế này với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước với lắp ráp, sản xuất ôtô. Thời hạn áp dụng chính sách thuế này là 5 năm.
Cùng đó, sửa quy định tại Nghị định 149 và 157/2017 về thuế suất với động cơ, hộp số ôtô có thời hạn đến năm 2025 về mức 0%, tương đương thuế suất quy định tại Hiệp định ATIGA.
Bộ Tài chính cũng được đề nghị trình bổ sung quy định hoàn thuế VAT 10% với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo được nguồn vốn lưu động.
Dự án sản xuất ôtô dưới 9 chỗ có quy mô công suất 50.000 xe một năm trở lên, tỷ lệ nội địa hoá tối thiểu 40% và sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động cho ôtô... sẽ được Bộ Công Thương xem xét, xác nhận ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao...
Bộ Công Thương cho rằng, công nghiệp hỗ trợ là ngành thâm dụng công nghệ, kỹ thuật, vốn và nhân lực chất lượng cao, nên cần chính sách ưu đãi với chuyên gia công nghệ, đào tạo. Vì thế, dự thảo Nghị quyết cũng kiến nghị, đưa chuyên gia công nghệ và đào tạo vào đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đưa ra tiêu chí thu hút FDI quy mô lớn gắn với phát triển nhà cung cấp nội địa trên cơ sở mức độ ưu đãi; không khuyến khích cấp phép các dự án FDI sản xuất linh kiện, phụ tùng quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ thấp; cũng như cơ chế để doanh nghiệp trong nước xuất bán và tham gia chuỗi cung ứng nội địa...