Bệnh nhi bị cúm A nằm phòng cách ly Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 19/12. Ảnh: Như Ý
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi có 100-120 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi… nghi ngờ mắc cúm. TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, những ngày lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều, nhất là hai tuần trở lại đây. Thống kê của Trung tâm cho thấy, chỉ trong tháng 11 có khoảng 500 bệnh nhân cúm nhập viện. “Trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, tăng 10-20% số bệnh nhân so với trước”, bác sĩ Hải nói. Trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 15 - 20 ca mắc mới là những trường hợp bị cúm nặng, có biến chứng hoặc trên nền bệnh mãn tính khác. Phần lớn những bệnh nhi xét nghiệm có mắc cúm A đều được bác sĩ cho điều trị tại nhà.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bác sĩ khuyến cáo, bệnh cúm chủ yếu điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế nhận định, tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.
Thuốc Tamiflu bắt buộc do bác sĩ kê đơn
Liên quan đến bệnh cúm A, hiện nhiều người dân đã tự ý đi mua thuốc cúm về sử dụng, khiến cho giá của mặt hàng này lên cao. Tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, đặc biệt là các nhà thuốc quanh Bệnh viện Nhi T.Ư giá một viên thuốc Tamiflu hiện là 150.000 đồng/viên. Chị H.A (phố Huế, Hà Nội) cho biết, gia đình có người bị cúm, đi tìm mua thuốc Tamiflu nhưng nhiều nhà thuốc hết hàng. Cuối cùng chị mua lại của 1 người rao trên mạng với giá 1,4 triệu đồng hộp/10 viên. Bà H.T.M (phố Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) mua 2 viên Tamiflu cho chồng với giá 200.000 đồng/viên. Trong khi đó, theo bảng giá kê khai tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), giá thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45.000 đồng/viên, chỉ khoảng 450.000 đồng/vỉ 10 viên.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, trong điều trị cúm, thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.
Mới đây Bệnh viện Nhi T.Ư đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời. Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.
Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Cục Quản lý dược đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.
Chưa ghi nhận đột biến gene trên virus cúm
Bộ Y tế khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gene làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A/H1N1 và cúm B.
Ngành Y tế cảnh báo, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Bên cạnh đó, cùng với ô nhiễm môi trường, điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông - xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho rằng, thói quen dùng thuốc tràn lan, cứ khi có dịch cúm người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết vì 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Thuốc Tamiflu phải do bác sĩ kê đơn.
Thái Hà