Trái luật
Theo ông Lê Đức Thanh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, sở này đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan Quyết định 60 và phát hiện một số nội dung chưa phù hợp quy định pháp luật. Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cũng chỉ rõ luật Đất đai năm 2013 chỉ cho phép UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với 2 loại đất là “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị”. Trong khi đó trong Quyết định 60 lại có thêm 2 khái niệm mới là “quy hoạch đất ở xây dựng mới” và “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp” thì không được tách thửa.
Về trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, điểm c khoản 1 điều 5 Quyết định 60 quy định: “Giao UBND quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng; hướng dẫn các sở ngành theo quy định tại khoản 2, điều 7 quyết định này để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực”. Tuy nhiên, thực tế mỗi sở, ngành hướng dẫn một kiểu dẫn đến sự chưa thống nhất về điều kiện được tách thửa.
Bà Hạnh (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) có hơn 150 m2 đất ở P.Linh Đông (Q.Thủ Đức), nhưng trên sổ đỏ ghi đất dân cư xây dựng mới, nên từ năm 2018 đến nay xin tách làm hai thửa để cho con 1 nền cũng không được, muốn xây dựng cũng không xong. “Từ năm 2018 đến nay tôi đã gửi đơn xin trợ giúp khắp nơi ở Q.Thủ Đức nhưng vẫn không được giải quyết trong khi nhu cầu xây nhà và tách thửa là cấp thiết”, bà Hạnh than.
Tách thửa để ở hay kinh doanh là quyền của người dân
Theo Văn phòng luật sư Tâm Pháp Quyền, UBND TP.HCM chỉ có thẩm quyền quy định về diện tích tối thiểu của thửa đất mà công dân được quyền tách thửa, chứ không thể dựa vào quy hoạch mà ngăn cản, cấm đoán quyền tách thửa hợp pháp của công dân. Luật sư Hoàng Thu, Công ty luật Hoàng Thu, thì cho rằng Sở Tài nguyên - Môi trường TP khi tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định này nhằm giải quyết nhu cầu tách thửa cho người dân và ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, ngăn chặn nhà ổ chuột, nhà 3 chung gây quá tải hạ tầng. Tuy nhiên quan điểm này là duy ý chí, bởi dù tách thửa để phục vụ nhu cầu người dân (cho, tặng, kế thừa) hay kinh doanh cũng là quyền của người dân, chỉ cần luật không cấm. Chính vì quá ôm đồm, đã dẫn đến việc phát sinh các quy định trên luật, thậm chí trái luật và từ đó phát sinh nhiều bất cập, thậm chí ách tắc, hành dân và dẫn đến tiêu cực trong việc xin - cho.
“Hiện nay quy hoạch 1/2.000 đã gần như phủ kín, ở các huyện đã có quy hoạch nông thôn mới hoặc quy hoạch 1/5.000, nên chỉ cần quy định hạn mức tối thiểu tại từng khu vực đối với hai loại đất là đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị theo luật Đất đai 2013. Căn cứ vào quy hoạch, người dân và doanh nghiệp được tách thửa. Bởi trong 1/2.000 cũng đã quy định khá rõ về chỉ tiêu dân số, chỉ tiêu quy hoạch, chỗ nào được xây nhà cao tầng, chỗ nào xây nhà thấp tầng, chỗ nào là công viên, bệnh viện hay trường học. Các quy hoạch này cũng thể hiện rõ hạ tầng ở khu vực...”, luật sư Thu cho hay.
Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Quyết định 60 về tách thửa. Theo đó, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND quận huyện đánh giá tính khả thi, những bất hợp lý của các khu vực là đất hỗn hợp, đất khu dân cư xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000; phân loại, xây dựng tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để người sử dụng đất trong khu vực thực hiện các quyền theo quy định pháp luật đất đai. Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu điều chỉnh Quyết định 60 phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn quản lý.