Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2: Thêm chiến tranh thương mại, Powell bị sa thải và tiếp tục giảm thuế?

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2: Thêm chiến tranh thương mại, Powell bị sa thải và tiếp tục giảm thuế?
Phố Wall đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng loạt những biến động tiềm năng to lớn.

Nhiều nhà phân tích phố Wall cho rằng, nhiệm kỳ 2 của Chính quyền Trump sẽ tiếp tục mang lại cho thương mại toàn cầu những sóng gió. Ông Trump chắc chắn cũng sẽ gây áp lực hơn nữa cho Chủ tịch cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và sẽ thay thế ông vào năm 2022, cuối nhiệm kỳ của ông Powell. Người kế nhiệm của ông Powell chắc chắn sẽ là một người theo đuổi những chính sách tiền tệ dễ chịu hơn.

Nhà phân tích chính sách Chris Krueger cho rằng một chiến thắng trong chiến dịch tái tranh cử sẽ thúc đẩy ông Trump theo đuổi các khoản chi tiêu lớn. Ông Trump cũng sẵn sàng "cho nổ tung" bất cứ ai mà ông tin là đang cản trở tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

"Tôi nghĩ rằng nếu ông ấy thắng cuộc bầu cử Tổng thống vào nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ thấy một ông Trump hoàn toàn không bị kiềm chế. Ông ấy sẽ làm với ông Powell những gì mà ông ấy từng làm với cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions", Krueger nhận định.

Nhiều nhà phân tích cũng đồng quan điểm nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2, đảng Cộng hòa sẽ không kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ như lần đắc cử đầu tiên. Cụ thể, đảng Cộng hòa dự kiến sẽ tiếp tục kiểm soát Thượng viện trong khi người Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Kết quả nghiên cứu của PredictIt, một trang chuyên nhận cược chính trị, cho rằng đảng Cộng hòa có 66% cơ hội kiểm soát Thượng viện trong khi người Dân chủ có 74% cơ hội kiểm soát Hạ viện.

Chính điều này sẽ làm dịu ngay cả những chính sách mạnh mẽ nhất cũng như kiểm tra những nỗ lực của ông Trump trong việc viết lại các thỏa thuận thương mại lâu đời của Mỹ với các đối tác kinh tế, bao gồm cả những đồng minh thân cận nhất.

Tương lai nào cho WTO?

Trong một cuộc vận động tranh cử tháng 6/2016 ở Monessen, Pennsylvania, ông Trump, khi đó còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, cho rằng thảm họa về việc làm cũng như sản xuất sụt giảm ở Mỹ là do lỗi của các hiệp định thương mại tự do, trong đó dẫn đầu là NAFTA. Lý do thứ 2 ông Trump nêu ra chính là việc cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đến bây giờ, quan điểm của Tổng thống Trump về vấn đề này chẳng thay đổi là mấy.

Một trong những chiến thắng ngoại giao quan trọng nhất của Chính quyền Trump xảy ra vào tuần trước, khi Nhà Trắng đạt thỏa thuận với Hạ viện do người Dân chủ kiểm soát để thúc đẩy thỏa thuận thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Thứ sáu (ngày 13/12) là ngày trọng đại nhất trong lịch sử thương mại. Đó là ngày mà chúng ta đã đệ trình USMCA, hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ - Mexico và Canada, với sự ủng hộ của cả hai đảng cũng như giới kinh doanh, người lao động và nông dân", Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chia sẻ với CBS hôm cuối tuần trước.

Cũng trong ngày thứ sáu đó, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Hiệp ước có các điều khoản nhằm giảm thuế nhập khẩu của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc đổi lại cam kết mua thêm nông sản Mỹ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn chưa chính thức được đôi bên đặt bút ký.

Tuần qua, Chính quyền Trump đã giành 2 chiến thắng to lớn. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều việc để làm. Giờ đây, ông Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế hàng đầu Larry Kudlow sẽ được tự do giải quyết những mối quan tâm to lớn với thương mại, vốn bị các cuộc thảo luận về USMCA và thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đẩy lùi trong 2 năm qua.

Mục tiêu tiếp theo có thể là WTO.

Sự không hài lòng của người Mỹ với WTO đang ngày càng tăng. Việc áp thuế của Mỹ đang bị nhiều quốc gia đe dọa kiện lên WTO nhưng các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ đang ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán WTO và làm tê liệt tổ chức thương mại này tới khi những khác biệt được giải quyết. Nỗ lực cải tổ WTO, được nhắc tới từ lâu, lại đang diễn ra rất ì ạch. Những nước tự nhận là đang phát triển, trong đó có cả nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, đang gây ra những sự bất bình đẳng giữa các thành viên WTO.

Ông Trump thì luôn muốn việc làm, sản xuất trở lại nước Mỹ để nước Mỹ có thể Vĩ đại trở lại. Các quy tắc của WTO lại không ủng hộ mong muốn này của ông chủ Nhà Trắng. Việc ưu đãi với Trung Quốc đang cản trở mục tiêu của ông Trump. Chính vì vậy, việc Mỹ rút khỏi WTO, như lời ông Trump đe dọa, có thể là kết cục bi thảm với tổ chức này.

Không chỉ ở WTO, tại Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ cũng đang lên tiếng cáo buộc những điều khoản không công bằng với Trung Quốc. Cụ thể, WB cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vay các khoản vay được thiết kế cho các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Cả người Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đều chia sẻ nhận định: Trung Quốc đã quá trưởng thành để hưởng những lợi ích này.

Áp lực với Powell

Khi Cục dự trữ Liên bang không điều chỉnh lãi suất theo hướng, hoặc tốc độ, mà ông Trump mong muốn, ông chủ Nhà Trắng có xu hướng trút giận lên đầu Chủ tịch FED Powell.

Ed Mills, chuyên gia phân tích chính sách tại Raymond James, cho rằng ngài Tổng thống thất vọng với việc lựa chọn Chủ tịch FED của chính mình. Điều này xảy ra hàng ngày và cá nhân đến nỗi gần như chắc chắn rằng ông Trump sẽ thay thế ông Powell khi nhiệm kỳ của vị Chủ tịch FED này kết thúc vào năm 2022.

"Đối với ông Powell, nếu ông Trump tái đắc cử, sẽ rất, rất khó để ông Powell chạy đua nhiệm kỳ Chủ tịch FED thứ 2. Nếu người Dân chủ được bầu, tôi cho rằng họ sẽ muốn có một Chủ tịch FED là người của họ. Dù trong hoàn cảnh nào, việc ông Powell ra đi là rõ ràng dù kết quả cuộc bầu cử này có ra sao đi nữa", Mills nhận định.

Trong nhiều năm, ông Trump yêu cầu FED giữ lãi suất thấp với lập luận lãi suất cao làm tổn hại nền kinh tế Mỹ, suy yếu nỗ lực của ông trong việc xóa bỏ thâm hụt thương mại giữa Mỹ với các nước khác. Quốc hội Mỹ sẽ giám sát chương trình lãi suất của FED để làm sao có thể giữ ổn định giá, tạo công ăn việc làm và ngăn tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, ông Trump muốn chính sách lãi suất của FED có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Giảm thuế phiên bản 2.0

Về chính sách đối nội, nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump sẽ tập trung vào một số ưu tiên chính có thể thu hút sự ủng hộ của Hạ viện do người Dân chủ kiểm soát. Đầu tiên có thể là đợt cắt giảm thuế thứ 2, được gọi là "Tax Cuts 2.0". Tháng trước, cố vấn kinh tế trưởng Kudlow nói với CNBC rằng ông Trump đã yêu cầu ông xây dựng một kế hoạch như vậy nhưng cảnh báo nó vẫn còn quá sớm để đi sâu vào chi tiết.

Trước đó, tờ Washington Post cho biết các cố vấn hàng đầu của ông Trump đang nghiên cứu các chính sách cắt giảm thuế lên tới 15% dành cho tầng lớp trung lưu.

Trong lần giảm thuế đầu tiên, Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế năm 2017 chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu trong năm đầu tiên có hiệu lực. Cụ thể, những gia đình có thu nhập ít hơn 25.000 USD/năm chỉ được giảm trung bình 40 USD tiền thues trong khi những hộ có thu nhập 733.000 USD/năm trở lên lại tiết kiệm được tới 33.000 USD tiền thuế.

Tiếp tục giảm thuế là chính sách nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực trong nhiệm kỳ mới của ông Trump nhưng nhiều khả năng nó sẽ có tác động chính trị nhiều hơn là kinh tế, CNBC dẫn lời chuyên gia nhận định.

Linh Anh

Tags: Ông Trump Đắc Cử Tổng Thống Chiến Tranh Thương Mại Powell Tổng Thống Mỹ