Ba đại gia công nghệ Mỹ.
3 ông lớn Mỹ lọt top 1.000 tỷ USD
Cuối tháng 4/2019, tập đoàn công nghệ Microsoft của tỷ phú Bill Gates chính thức trở thành công ty có vốn hóa 1.000 tỷ USD do cổ phiếu tăng lên trên 130 USD/cp sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 1 ấn tượng.
Cổ phiếu Microsoft tiếp tục tăng giá trong nhiều tháng sau đó và tính tới gần giữa tháng 12/2019 đã lên trên ngưỡng 150 USD/cp, tương đương mức vốn hóa 1.160 tỷ USD. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng 50%, từ mức giá 101 USD/cp hồi đầu tháng 1.
Sở dĩ cổ phiếu Microsoft tăng giá mạnh là nhờ sự tăng trưởng của loại hình dịch vụ lưu trữ đám mây tạo ra thế kiềng 3 chân cho tập đoàn này. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn chuyển sang lưu trữ dữ liệu cơ sở hạ tầng dữ liệu đám mây Azure của Microsoft.
Doanh thu mảng dịch vụ lữu trữ đám mây tăng vọt lên gần 10 tỷ USD. Mảng Office, LinkedIn và Dynamics cũng đóng góp hơn 10 tỷ USD, trong khi Windows, Xbox và Surface cũng đóng góp mức doanh thu tương tự.
Cũng trong năm 2019, hồi giữa tháng 9, Apple đã bất ngờ lấy lại được mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD sau khi cổ phiếu tăng lên trên ngưỡng 220 USD nhờ bộ ba "iPhone thế hệ mới" cùng dịch vụ thuê bao game Arcade và thuê bao truyền hình Apple TV+.
Cho tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu Apple đã tăng lên trên 270 USD, tăng hơn 70% so với mức 158 USD/cp hồi đầu năm và cao hơn khá nhiều so với mức tăng 30% của chỉ số công nghệ Nasdaq. Vốn hóa của Apple hiện đạt 1.200 tỷ USD.
Giữa tháng 7/2019, giá trị vốn hóa của ông lớn bán lẻ của Mỹ Amazon cũng đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD sau khi lần đầu tiên kể chạm mốc này từ tháng 9 năm ngoái. Giá cổ phiếu Amazon có lúc vượt ngưỡng 2.010 USD/cp trước khi trở về mức 1.750 USD/cp như hiện nay.
Trong năm 2019, Apple cùng với 2 đại gia công nghệ khác của Mỹ là Microsoft và Amazon cạnh tranh gay gắt để giành ngôi vị công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất ở Mỹ.
Trước đó, nhiều người tin rằng Amazon sẽ đánh bại Apple trong cuộc đua 1.000 tỷ USD này và Apple cần tới 38 năm niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ để có được mốc vốn hóa này, trong khi Amazon cần 21 năm mới làm được.
Tuy nhiên, mảng công nghệ Mỹ vẫn đang tăng vượt trội và có những tín hiệu áp đảo các ngành hàng khác, kể cả ông lớn bán lẻ Amazon kể cả khi ông trùm Jeff Bezos cũng đã tấn công mạnh chưa từng thấy sang mảng công nghệ.
Trung Quốc mở hàng, Trung Đông mới là số 1
Mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD đều được 3 công ty Mỹ thiết lập, nhưng cho đến nay chỉ còn 2 doanh nghiệp giữ được. Vốn hóa của Amazon chỉ còn khoảng 870 tỷ USD. Tập đoàn Alphabet (Google) hiện chưa đạt được mức này, với vốn hóa hiện ở đỉnh cao lịch sử nhưng mới đạt 924 tỷ USD.
Trước đó, Microsoft đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 500 tỷ USD vốn hóa thị trường vào giữa năm 1999 ở thời kỳ đỉnh cao của thời kỳ bong bóng dot-com. Và giờ đây Microsoft và Apple là doanh nghiệp tăng vững chắc trên ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Dù vậy, trên thế giới, công ty đầu tiên đạt giá trị 1.000 tỷ USD không phải Apple và Microsoft. Trước khi Apple đạt giá trị 1.000 tỷ USD, gã khổng lồ dầu mỏ Trung Quốc PetroChina từng vượt giá trị 1.000 tỷ USD từ hơn 10 năm trước đó (vào năm 2007) nhờ giá cổ phiếu tăng giá 3 lần trong ngày đầu giao dịch tại cả sàn Thượng Hải và Hong Kong.
Tuy nhiên, cổ phiếu PetroChina đã lao dốc và sau 1 năm xuống chỉ còn 260 tỷ USD bởi khủng hoảng kinh tế và giá dầu giảm mạnh. Trong vài năm gần đây, cổ phiếu này dần dần tăng trở lại và về mức 980 tỷ USD như hiện tại.
Một điều khá ấn tượng khác là năm nay giá cổ phiếu các hãng công nghệ Mỹ tăng vọt, bất chấp rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Cho đến nay, cả doanh thu và lợi nhuận của nhóm này vẫn tăng trưởng tốt.
Cả 2 cổ phiếu Apple, Microsoft đều tăng giá mạnh, trong khi Facebook và Alphabet - công ty mẹ của Google cũng tăng khá cao.
Sự phát triển vượt bậc của các cổ phiếu công nghệ Mỹ cho thấy sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu này tới thị trường thế giới là rất lớn. Kỳ vọng của giới đầu tư vào nhóm cổ phiếu này là rất cao, bất chấp những biến động trên thị trường.
Mặc dù vậy, vị trí số 1 của các công ty công nghệ Mỹ sắp bị rơi mất vào tay một doanh nghiệp khác nằm ngoài nước Mỹ.
Chỉ ngay trong tuần này, Apple hay Microsoft sẽ không còn là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất thế giới. Câu lạc bộ chứng khoán ngàn tỷ USD sắp chào đón một doanh nghiệp lớn nhất đến từ Saudi Arabia. Công ty dầu khí Aramco sẽ chào sàn chứng khoán nước này vào ngày 11/12 tới. Aramco có vốn hóa dự kiến lên tới 1.700 tỷ USD sau khi IPO thành công hôm 5/12 với khoản tiền huy động lịch sử: 25,6 tỷ USD, vượt qua con số 25 tỷ USD mà tập đoàn bán lẻ Alibaba của Trung Quốc huy động được khi tiến hành IPO trên phố Wall vào năm 2014.
Aramco được xem là tập đoàn xương sống trong chiến lược tham vọng của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm phục hồi một nền kinh tế đang phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ của nước này.
Thương vụ IPO vừa qua mỗi cổ phiếu Aramco được bán với mức giá 8,53 USD, tương đương mức vốn hóa của doanh nghiệp này là 1.700 tỷ USD, vượt xa các tập đoàn khác trong câu lạc bộ ngàn tỷ USD, bỏ xa đại gia công nghệ số 1 của Mỹ với 500 tỷ USD khoảng cách.
Sự ra mắt của Saudi Aramco đánh dấu lần đầu tiên trong thập kỷ một công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới nằm ngoài nước Mỹ.
Tuy nhiên, về số lượng, Mỹ vẫn là số 1. Với tốc độ tăng như hiện nay, tới cuối 2019 hoặc đầu năm sau nhiều khả năng Alphabet (công ty mẹ của Google) và PetroChina của Trung Quốc sẽ có ngàn tỷ USD và câu lạc bộ này sẽ có tổng cộng 5 thành viên.
M. Hà