Hàng tồn kho nhiều vì bí đầu ra
Là doanh nghiệp chuyên thu mua tôm sú tại huyện Đầm Dơi, ông Phạm Minh Kiên - Giám đốc Công ty Ngọc Thạch - cho biết, từ khi dịch bệnh tới nay giá tôm liên tục sụt giảm, đơn hàng của doanh nghiệp đã bị giãn và hủy bỏ đến 70 - 80%. Khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ công ty đã tạm ngưng một số hoạt động. Đến ngày 16/04 khi bắt đầu khôi phục sản xuất thì lại gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn.
Cũng gặp tình cảnh tương tự Công ty Ngọc Thạch, ông Lê Văn Điệp - Tổng giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) tại TP. Cà Mau - cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu của công ty bị tác động mạnh. Trong quý I/2020, xuất khẩu của nhà máy sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, số lượng đơn hàng bị hủy, kéo giãn thời gian giao nhận hàng chiếm tỷ lệ lớn.
Lượng hàng tồn lớn khiến doanh nghiệp bị “chôn” vốn ở các kho hàng. Theo thống kê của Công ty Minh Phú thì kho hàng với sức chứa khoảng 2.000 tấn của doanh nghiệp này đã đầy. Tất cả những vấn đề kể trên đã kéo theo nhiều chi phí phát sinh như: phí lưu kho container tại cảng, phí trang thiết bị y tế phòng chống dịch (do thời gian qua công ty áp dụng các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho hơn 6.300 công nhân)... “Muốn hoạt động bình thường trở lại chúng tôi phải đầu tư thêm kho lạnh nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất nhưng chúng tôi lại thiếu vốn…” ông Điệp cho hay.
Công ty CP Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX) cũng đang có hơn 900 tấn hàng phải lưu kho bởi bí đầu ra. Theo đại diện của CAMIMEX, với tình hình hiện nay của thị trường, lượng đơn hàng sẽ tiếp tục giảm vì thế công ty mong muốn được hỗ trợ gói vay mới để duy trì sản xuất và phục hồi khi hết dịch.
Gấp rút hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phục hồi
Đánh giá về những khó khăn mà doanh nghiệp Cà Mau đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau - khẳng định: Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thiếu nguồn vốn để tái sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. “Doanh nghiệp cần được vay vốn mới để khắc phục khó khăn. Do đó Sở Công Thương đã có kiến nghị UBND tỉnh đề nghị các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để tái sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay, cũng như kéo dài thời gian thanh toán tiền thuế, giảm tiền điện”, ông Đô cho biết.
Bên cạnh đó, khi hoạt động xuất khẩu vẫn còn những khó khăn, Sở Công thương Cà Mau cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn tiêu thụ nội địa thông qua các kênh bán lẻ, hệ thống siêu thị như Big C, Satra Food. Qua sự hỗ trợ của Sở, nhiều mặt hàng như tôm đông lạnh, bánh phồng tôm, cua Năm Căn… đã được đưa vào hệ thống siêu thị Satra Food.
Thời gian tới, để việc tiếp cận với các kênh bán lẻ này hiệu quả, Sở Công Thương sẽ tổ chức tập huấn, kết nối kinh doanh cho các đơn vị sản xuất kinh doanh có đủ năng lực đưa hàng vào siêu thị.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết:
Ưu tiên số một của tỉnh Cà Mau hiện nay vẫn là xuất khẩu thủy sản. Do đó, trong ngắn hạn, Sở Công Thương tỉnh cần phối hợp với các Sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản để rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thu mua nguyên liệu, kết nối lại thị trường. Về dài hạn, tỉnh sẽ có kiến nghị Chính phủ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Kim Ngân