Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề pháp lý của doanh nghiệp nhìn từ đại dịch” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 1/5, luật sư Trần Thanh Tùng, thành viên Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers nhìn nhận, với một đại dịch mang tính toàn cầu như Covid-19, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro liên quan tới hợp đồng với các đối tác ở cả đầu vào và đầu ra. Nhiều doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn khi bạn hàng từ Trung Quốc không giao hàng làm thiếu hụt nguyên liệu và không thể có đủ thành phẩm để đáp ứng các đơn hàng đã ký trước đó.
Trong khi đó, các yêu cầu của Chính phủ về đảm bảo điều kiện chống dịch như giãn cách xã hội, đảm bảo khoảng cách khi làm việc… cũng gây không ít xáo trộn, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất. “Các vấn đề về pháp lý không chỉ xảy ra trong một sớm một chiều mà có thể 1-2 năm sau doanh nghiệp vẫn phải chịu những rủi ro phát sinh từ đại dịch này” – ông Trần Thanh Tùng nói.
Theo ông Tùng, trong trường hợp đối tác không giao nguyên liệu, doanh nghiệp có thể thương lượng về việc lùi thời gian giao hàng hoặc chấm dứt hợp đồng để tìm đối tác mới. Doanh nghiệp có thể tạm dừng hợp đồng vì bất khả kháng gồm ba yếu tố là tác động khách quan, bất khả kháng và không thể khắc phục. Trong ba yếu tố này, doanh nghiệp phải chứng minh được để áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng.
Đồng tình với ông Tùng, luật sư Võ Quốc Sơn, thành viên Đoàn Luật sư TPHCM, Luật sư trưởng Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Namc cho rằng có thể xem Covid-19 như là điều bất khả kháng trong việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế triển khai điều khoản này lại vô cùng khó khăn do mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau và các công ước quốc tế cũng có những điều khoản áp dụng khác nhau. Do đó, phải xác định dựa trên thực tế thương thảo của từng hợp đồng.
“Việc chứng minh được các yếu tố để có thể áp dụng điều khoản bất khả kháng là cả một nghệ thuật, trong đó có cả khả năng thuyết phục của chính doanh nghiệp đối với đối tác” – ông Sơn cho hay.
Các chuyên gia cũng cho hay, trong trường hợp hai bên không thương lượng được thì doanh nghiệp có thể làm đơn ra tòa đề nghị điều chỉnh lại hợp đồng. Theo đó, doanh nghiệp phải đảm bảo kiến nghị này xuất phát từ điều kiện khách quan phát sinh và có căn cứ pháp lý để sửa đổi, chấm dứt hoặc đi đến một thỏa thuận đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên.
Ông Tùng cũng cho rằng, sau dịch Covid-19, doanh nghiệp nên sửa đổi các điều khoản về trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng của mình với đối tác. Theo ông Tùng, thông thường doanh nghiệp Việt Nam hay sao chép các hợp đồng mẫu, điều này là tốt nhưng cần thay đổi cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không nên nhìn nhận hợp đồng ở góc độ đi xử lý tình huống khi có tranh chấp. Nếu như vậy thì không bao giờ doanh nghiệp xây dựng được cơ sở pháp lý tốt bởi hiệu quả hợp đồng là điều căn bản giúp cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Như vậy, trong việc quản trị hợp đồng, doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn xa hơn nữa với chính sách mua sắm, lựa chọn đối tác, nhà cung cấp… để được chủ động hơn. Lúc đó, chúng ta mới lưu mẫu hợp đồng, sau đó tư duy các tình huống để soạn thảo hợp đồng cho phù hợp thực tế” – ông Tùng lưu ý.
Thêm vào đó, sau khi có mẫu hợp đồng, doanh nghiệp phải đặt vấn đề xử lý hợp đồng như thế nào, bộ phận nào đưa hợp đồng lên, bộ phận nào sẽ thẩm duyệt hay ký kết cuối cùng. Sau đó dùng mẫu này đi thương thảo ký kết. Bước cuối cùng là điền thông tin và cập nhật kết quả ký kết.
Khải Kỳ