Doanh nghiệp không nên nuôi 'âm binh' trên mạng xã hội

Doanh nghiệp không nên nuôi 'âm binh' trên mạng xã hội
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) nhận định việc các doanh nghiệp sử dụng KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) để bảo vệ mình giống như dùng con dao hai lưỡi, giống như sử dụng “âm binh” nên rất nguy hiểm.

Buổi tọa đàm Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội do Báo Người Lao động tổ chức sáng 14.12

Việt Nam là nước có độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội nhanh. Ước tính đến nay tại Việt Nam có khoảng 62 triệu người dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, rồi tiếp đến Youtube, Instagram, Zalo...

Những cái lợi, những mặt tích cực của mạng xã hội đem lại trong việc kết nối cộng đồng là rất rõ ràng. Với doanh nghiệp, mạng xã hội cũng đã tạo những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, để có thể truyền thông, tiếp thị, PR cho thương hiệu và sản phẩm của mình. Bên cạnh đó có nhiều mặt trái mà nổi cộm là nạn vu khống trục lợi trên mạng xã hội đang lan tràn gây ra nhiều tác hại, tổn thất cho các cá nhân và tổ chức. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp, đối tượng mà khi bị vu khống, trục lợi trên mạng xã hội hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu cũng như công việc kinh doanh.

Trong buổi tọa đàm Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội do Báo Người Lao động tổ chức sáng 14.12, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM Từ Lương nhận định KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội hay hiểu nôm na là hot facebooker, hot blogger) trở thành một kênh thông tin song song với báo chí, thậm chí còn quyền lực hơn cả tổng biên tập một số tờ báo. Ông Từ Lương đề nghị các doanh nghiệp không bắt tay, thỏa hiệp, thương lượng với KOLs, bởi các sai phạm đã có pháp luật và các cơ quan nhà nước xử lý.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) nhận định việc các doanh nghiệp sử dụng KOLs để bảo vệ mình giống như dùng con dao hai lưỡi, giống như sử dụng “âm binh” nên rất nguy hiểm. Thay vào đó, doanh nghiệp nên đồng hành cùng các cơ quan báo chí có uy tín, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi nếu họ làm sai, cơ quan nhà nước có thể xử lý được, nhưng KOLs thì trách nhiệm về pháp lý của họ thấp hơn nhiều, theo Thanh Niên.

Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, pháp luật chúng ta có quy định đầy đủ, từ phạt hành chính, đưa ra tòa án hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Trương Thị Hòa.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, vu khống doanh nghiệp trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp có thể khởi kiện cá nhân hay tổ chức cố tình nói xấu lên tòa án, đề nghị bên nói xấu cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có).

A.T

Tags: Kols Trục Lợi Trên Mạng Xã Hội Facebook Instagram