Doanh nghiệp lớn của Việt Nam chỉ ngang doanh nghiệp nhỏ của Philippines
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019, Việt Nam hiện nay đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Hiện tượng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp tư nhân chính thức.
Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây song số lượng doanh nghiêp lớn của Việt Nam vẫn còn tương đối ít với khoảng 17.000 doanh nghiệp được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2018.
Nhưng điều đáng lưu ý hơn là số lượng các doanh nghiệp cỡ vừa (khoảng 21.000 doanh nghiệp) chỉ chiếm 3,47% trên tổng số doanh nghiệp – con số quá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, nơi mà tỷ trọng các doanh nghiệp cỡ vừa thường chiếm từ 5%-10%.
Thiếu doanh nghiệp cỡ vừa và lớn cũng là một trong những yếu tố hạn chế khả năng kết nối của khu vực doanh nghiệp Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đáng chú ý, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam rất nhỏ bé so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực.
Ví dụ, các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán - những đại diện tiêu biểu nhất cho các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam – có quy mô vốn hóa trung bình chỉ là 186 triệu USD/ công ty vào năm 2018. Trong khi đó, mức trung bình của các công ty tại Philippines là 1,2 tỷ USD, của Singapore là 1,07 tỷ USD, của Thái Lan là 835 triệu USD, của Indonesia là 809 triệu USD, của Malaysia là 553 triệu USD (tính tại thời điểm tháng 4/2018).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét: số lượng các doanh nghiệp từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn rất thấp. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không tham gia nghiên cứu hay cải tiến công nghệ
Không chỉ nhỏ bé về quy mô, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị đánh giá là hạn chế, sử dụng máy móc thiết bị lạc hậu. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Thống kê cho thấy chỉ có 10% tổng số doanh nghiệp đã từng đăng ký hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm gần đây. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể sở hữu một phát minh sáng chế.
Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào đổi mới công nghệ trung bình chỉ chiếm 0,2%-0,3% doanh thu, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%.
Trên thực tế, sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan nghiên nghiên cứu và trường đại học còn yếu.
Trong kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ cấp độ doanh nghiệp, chỉ có 10,2% doanh nghiệp cho biết có đầu tư vào một số hoạt động R&D (nghiên cứu – phát triển). Trong đó, hầu hết các chi phí nghiên cứu (55%) được dành để phát triển công nghệ mới đối với thị trường doanh nghiệp hoạt động chứ không phải “nghiên cứu tiên phong” – công nghệ mới so với thế giới (43,2% mới với doanh nghiệp; 1,8% mới với thế giới).
Theo đuổi cải tiến công nghệ là cách để tránh được việc tốn chi phí lớn cho thực hiện nghiên cứu, phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều không tham gia vào bất kỳ hoạt động nghiên cứu hay cải tiến nào (86%). Số còn lại (14%) đầu tư vào đổi mới qua nghiên cứu, cải tiến hoặc cả hai.
55% chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có trình độ cao nhất là trung cấp
Trình độ quản trị doanh nghiệp cũng là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề.
Theo một kết quả điều tra, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.
Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11/12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi đó Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm.
Một điểm yếu nữa của doanh nghiệp Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết là khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp.
Khảo sát của JETRO4 cho hay các công ty Nhật Bản chỉ mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).
Cũng cần nhấn mạnh rằng trong số các doanh nghiệp cung cấp cho các công ty FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các doanh nghiệp đó là các công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài, mặc dù số lượng FDI được đầu tư trong nước là rất lớn.
Vĩnh Chi