Doanh nhân Việt bán robot cho công ty Nhật Bản

Doanh nhân Việt bán robot cho công ty Nhật Bản
Về năng lực, kỹ sư Việt không thua kém ai hết. Nhưng mình đi sau họ về tính kỷ luật, sự nguyên tắc và tuân thủ” - giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát chia sẻ.

Khởi nghiệp từ việc sửa chữa, bảo trì dịch vụ máy CNC (viết tắt tiếng Anh: Computer Numerical Control, thuật ngữ chỉ những hệ thống máy tiện cơ khí được điều khiển bằng máy tính), TS Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, đã chế tạo thành công các cánh tay robot bán cho các công ty Nhật và các bộ truyền dữ liệu CNC bán khắp thế giới.

Thợ sửa máy Nhật và đơn đặt hàng robot

. Phóng viên: Để tiến đến việc sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, con đường khởi nghiệp của ông có xem là cơ duyên?

+ Ông Bùi Thanh Luân: Có một điều may mắn là khi học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tôi đã được các thầy cho thực hành trên các dòng máy CNC. Thời điểm cuối thập niên 1990, chủ yếu là những dòng máy cơ điện, trong khi máy tính đang lên ngôi. Vậy là thầy trò mua các dòng máy này về, tìm tòi cách kết nối với máy tính và viết phần mềm cho máy chạy.

Hóa ra lại thành công hơn mong đợi, bán rất chạy với giá cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, có một điểm bất lợi với những dòng máy chế lại để kết nối máy tính là do sử dụng máy tính bàn hay bị virus nên chạy không ổn định. Mà máy tính có vấn đề là máy CNC không thể hoạt động hiệu quả.

Tôi thấy tiếp tục cách này là không ổn nên tập trung vào dịch vụ bảo trì máy nguyên bản và chủ yếu nhận dịch vụ sửa chữa cho các doanh nghiệp Nhật.

. Vậy điều gì khiến ông tiến đến lĩnh vực sản xuất robot?

+ Một công ty Nhật sử dụng cánh tay robot để gắp các sản phẩm đưa vào máy CNC. Mình đến sửa chữa nhiều cho họ nên một hôm, ông chủ Nhật hỏi mình nhận xét về con robot đó.

Vì nó là thế hệ cũ nên tôi nói còn nhiều khiếm khuyết và chạy chậm. Thế là ông ta hỏi tôi có thể làm được con robot này với những cải tiến như đã nói không, đồng thời giá cả phải hợp lý. Tôi nói là đủ khả năng.

Về công ty, đội ngũ kỹ sư thiết kế bản demo, xong mang đến biểu diễn cho ông ta xem. Không nói gì, ông chỉ hỏi giá cả.

Ông Bùi Thanh Luân: “Bước đầu khởi nghiệp, tôi chủ yếu thực hiện các dịch vụ và sửa chữa bảo trì máy CNC”. Ảnh: QUANG HUY

Tôi báo xong giá thành thì suốt ba tháng sau chẳng thấy ông ta nói gì hay đề cập đến. Đến tháng thứ năm, ông gọi đến nhà máy và đưa ra một con robot y chang của tôi do một công ty khác làm và nói giá của tôi chưa hợp lý, đồng thời kêu tôi tính toán lại.

Tuy nhiên, với robot của công ty kia làm, họ không hiểu sâu về máy CNC nên công suất còn chậm hơn con robot thế hệ cũ của Nhật. Tôi nói sẽ làm robot tốt hơn nhưng yêu cầu giá cao hơn bên đó 50 triệu đồng, khoảng 10.000 USD. Ông ta đồng ý và đặt luôn 40 robot. Kết quả vận hành con robot của tôi đạt năng suất 900 sản phẩm/ca (tám tiếng/ca), cao gấp ba lần robot Nhật chỉ có 300 sản phẩm/ca. Sau đó qua nhiều lần cải tiến, nâng lên được 1.200 sản phẩm/ca.

Vậy để thiết kế ra con robot bán cho công ty Nhật ông đối diện bài toán khó nào?

+ Nói chung khó nhất vẫn là phần cơ khí. Nhưng nhờ làm dịch vụ bảo trì nên hỗ trợ rất nhiều cho chuyện này... Mình thiết kế con robot trên nền tảng công nghệ của Nhật nhưng phát triển thêm theo ý tưởng, công nghệ của mình. Chỉ có cách đó mới làm được, vì thông thường các hãng sản xuất luôn giấu bí mật công nghệ. Nhiều khi thấy cái máy vậy đó nhưng không cách nào làm được.

Ngành cơ khí có lợi nhuận thấp  nhưng nó là xương sống của ngành công nghiệp chế tạo, muốn phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ thì cần chính sách vĩ mô hỗ trợ cơ khí trong nước. Ví dụ, chính sách thuế nhập, nhập linh kiện thì mấy chục phần trăm thuế, trong khi nhập nguyên cái máy thuế 0% thì doanh nghiệp cơ khí trong nước chỉ có thua trên sân nhà. 

“Đối tác Hàn Quốc tức la làng”

. Qua những thứ đã làm được, ông có nghĩ kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và tạo ra được công nghệ?

+ Về năng lực hay trình độ chuyên môn, kỹ sư Việt không thua kém ai hết. Nhưng mình lại đi sau họ về tính kỷ luật, sự nguyên tắc và tuân thủ.

Chẳng nói đâu xa, tôi dẫn chứng ngay điển hình công ty của tôi. Một đối tác Hàn Quốc gặp tôi hỏi có thể sản xuất được đầu spindle cho máy CNC. Đây là một đầu trục quan trọng của máy CNC để tạo phôi, cắt gọt sản phẩm.

Tôi nói làm được nhưng ông phải dạy tôi. Vậy là đối tác Hàn mang bản vẽ, máy móc, chuyển giao công nghệ và dạy cho cách làm. Ông ta chỉ nói mình làm sao giống y chang sản phẩm với giá thành tốt nhất, vì những sản phẩm này xuất sang Hàn, Nhật và nhiều nước khác.

Mất một năm học hỏi rồi bắt đầu chính thức vào sản xuất thành phẩm. Lúc này mới có chuyện xảy ra. Đầu tiên tôi đến một nhà máy thép Việt Nam đặt thép nguyên liệu để sản xuất, tất nhiên với các yêu cầu rất khắt khe cho dòng sản phẩm vốn đòi hỏi chịu lực, hoạt động công suất cao.

Tôi nhận cục thép đó, mang về làm chi tiết rất công phu để ra cái đầu spindle. Sau đó mang đi tôi để sản phẩm gia tăng độ cứng. Qua nhiệt, các sản phẩm này nứt hết. Điều đó cho thấy nhiều khi người Việt của mình sản xuất một sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, tôi cũng giải quyết được xong phần thép. Giờ mới đến nhân viên của mình. Chuyển sang làm sản phẩm đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối là bắt đầu có chuyện.

Vì đã quen cách làm ngày xưa, có lỗi chút cũng không sao, vậy là mấy anh làm thinh bỏ qua, kể cả bộ phận giám sát chất lượng sản phẩm. Mình thấy cũng tốt, đóng gói gửi qua Hàn Quốc. Đối tác Hàn ngay lập tức la làng “giá rẻ nhưng không sử dụng được thì làm rẻ để làm gì”.

Cứ hình dung thế này, một sản phẩm có đến 15 chi tiết thì mấy anh làm sai 7-8 chi tiết. Mỗi cái không bị lỗi này lại bị lỗi khác. Mà nhà máy của mình không có công nhân, chỉ toàn là kỹ sư và được đào tạo bài bản. Cũng phải mất một năm nữa mới đưa mọi người vào khuôn khổ về tính tuân thủ, kỷ luật công việc và loại bỏ tính làm việc đại khái.

. Vậy phải chăng do vấn đề nhân lực không có tính tuân thủ nên mới dẫn đến chuyện không thể sản xuất được chiếc ốc vít cho điện thoại Samsung?

+ Không, đây lại là câu chuyện khác. Với ốc vít hay vỏ điện thoại iPhone hay Samsung đang có, doanh nghiệp Việt thừa sức sản xuất với đúng tiêu chuẩn đặt ra. Nhưng theo tôi biết Samsung đặt ra quá nhiều điều kiện khắt khe cho việc sản xuất ốc vít, trong khi yêu cầu giá thành lại rẻ. Một điều kiện không tưởng kể cả cho các hãng nước ngoài nên doanh nghiệp Việt không thể làm.

Cách đây hơn chục năm, chính công ty tôi đã từng sản xuất cho công ty của Pháp những loại ốc vít để bắt trong cột sống, nẹp xương gãy. Sản phẩm này được công ty đó xuất khẩu đi khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Thế nên mới có chuyện vui, cậu học trò của tôi gãy tay, khi mở đinh vít đã nẹp xương gãy thì mới phát hiện cái đinh do công ty mình sản xuất, các bác sĩ cũng ngạc nhiên.

. Xin cám ơn ông.!

Hỏng máy, công ty Nhật gọi kỹ sư Việt

. Với các bước đi bài bản, từ xuất phát điểm làm dịch vụ bảo dưỡng rồi đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao, con đường đi tiếp theo của công ty ông sẽ được nâng cấp lên mức độ nào?

+ Hiện nay công ty đang đi theo sản xuất các sản phẩm chính xác cao, bắt kịp xu hướng thế giới. Chẳng hạn, hiện công ty đang sản xuất các bộ truyền micro DNC 2 là thiết bị dùng để truyền, đọc dữ liệu và chương trình gia công sau khi đã được lập trình vào máy CNC thông qua USB hoặc mạng nội bộ (LAN, WiFi). Hiện sản phẩm bộ truyền của công ty đã bán trên 40 quốc gia trên thế giới.

Người Nhật vốn kỹ tính, đưa ra tiêu chuẩn khắt khe và thích sử dụng dịch vụ của chính họ, vậy tại sao lại đặt niềm tin vào công ty của ông?

+ Để gầy dựng lòng tin với người Nhật, đầu tiên phải là uy tín. Các nhà máy Nhật chạy các đơn hàng với thời gian tính toán rất sát sao nên máy hư có nghĩa sẽ không đáp ứng được tiến độ giao hàng.

Do đó, phải bằng mọi giá làm cho máy hoạt động trở lại, có những hôm tôi làm xuyên đêm vì chiếc máy hư hỏng khá phức tạp. Và mọi hư hỏng đều được đội ngũ kỹ sư Việt giải quyết suôn sẻ nên từ đó mình tạo được chữ tín với họ. Thậm chí tên công ty nằm trong hiệp hội của họ và có vấn đề gì liên quan đến máy CNC là họ cứ gọi mình.

Phương Minh-Quang Huy

Tags: Kỹ Sư Việt Robot Chế Tạo