Đơn hàng dệt may 2020 vẫn “thưa thớt”

Đơn hàng dệt may 2020 vẫn “thưa thớt”
Năm 2019 do chịu ảnh hưởng đáng kể từ thương chiến Mỹ - Trung, dệt may - ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 39/40 tỷ USD.

Đến giờ này đã là trung tuần tháng 12 nhưng các đơn hàng chuẩn bị cho năm 2020 của Công ty may Hưng Yên vẫn lác đác.

Những ngày cuối năm này, các doanh nghiệp dệt may đang oằn mình tìm kiếm đơn hàng nhằm khoả lấp những khó khăn thị trường mà toàn ngành đang đối mặt, chuẩn bị cho năm 2020 đang đến.

Bằng giờ này mọi năm, trên bàn làm việc của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng Cty may Hưng Yên đã đầy ắp báo cáo về các đơn hàng đến hết quý II năm sau, thậm chí có nhiều đơn hàng khó sản xuất, may may Hưng Yên còn ký trước đến tận cuối năm sau với đối tác. Nhưng năm nay thì khác.

Thiếu đơn hàng dài hơi

Đến giờ này đã là trung tuần tháng 12 nhưng các đơn hàng vẫn lác đác! Ông Dương mở đầu câu chuyện với vẻ mặt đượm buồn. Do nghe ngóng tình hình thương chiến Mỹ - Trung nên các đối tác Hoa Kỳ (thị trường chính của May Hưng Yên) chỉ ký thời hạn ngắn. Thiếu đơn hàng nên việc lên kế hoạch sản xuất cho năm 2020 của doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ông Dương cho biết, Hoa Kỳ vốn là thị trường chính của may Hưng Yên, kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Dù đã làm ăn với nhau cả chục năm nhưng họ không ký các hợp đồng dài hạn mà chỉ ký ngắn hạn kiểu “ăn đong” nhằm nghe ngóng biến chuyển của thương chiến. Năm nay, không chỉ “khan” hợp đồng mà những mặt khác dễ làm như sơmi, nhiều đối tác cũng ép giá để ký được giá thấp, nếu không sẽ chuyển sang Bangladesh, nơi có chi phí nhân công thấp để gia công.

“Cũng may, may Hưng Yên chủ yếu sản xuất các mặt hàng khó và cao cấp như áo Jaket, áo lông vũ, hàng thời trang… nên nhiều các đối tác có đơn hàng vẫn ký, còn các đơn hàng dễ họ vẫn chưa ký và cũng chưa biết thế nào?” ông Dương nói.

Nhưng cũng không phải doanh nghiệp nào cũng thiếu đơn hàng, cũng có những doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng đủ đơn hàng cho đến năm sau. Đơn cử như Công ty Đầu tư và thương mại TNG hiện đã có đủ đơn hàng cho năm sau. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG cho biết, với đơn hàng đã ký với thị trường Mỹ và EU, ước tính có thể đạt lợi nhuận sau thuế 220 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch năm và tăng 22% so với năm trước.

Nhưng số lượng doanh nghiệp có đơn hàng dài hơi như TNG chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn tình cảnh chung vẫn là thiếu đơn hàng, đặc biệt là các đơn hàng dài hơi. Một thông báo vừa được Bộ Công Thương phát đi cuối tuần trước cũng cho thấy, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Không chỉ thế, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt do hiện nay, nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực Châu Phi.

2020 vẫn khó khăn

Có vẻ như những nhận định hồi đầu năm với rất nhiều kỳ vọng tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà Việt Nam tham gia ký kết như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… vẫn chưa xảy ra. Thậm chí khi đó, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng, nâng cao năng lực để đón đầu cơ hội từ thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mà các doanh nghiệp đạt được trong năm 2019 lại không tươi sáng như những kỳ vọng đó.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nói rằng, thực chất những FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế, trong đó EVFTA là một ví dụ điển hình.

“Khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật, Việt Nam mới chỉ ở dạng tiềm năng, nếu chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì lợi ích cao hơn.” Ông Cẩm nói.

Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung vẫn dập dình theo kiểu “ăn miếng, trả miếng” như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may vẫn xác định khó khăn chưa thể chấm dứt. Không những thế, đã có nhiều cảnh báo việc doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam mua lại những doanh nghiệp gặp khó khăn để sản xuất, chủ yếu họ xuất khẩu sang Châu Âu và các thị trường ngoài Hoa Kỳ.

Mới đây, cả VITAS và Bộ Công Thương đều lên tiếng khuyến cáo, trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. 

Quốc Anh

Tags: Ngành Xuất Khẩu Chủ Lực Dệt May Đơn Hàng Thưa Thớt