Dòng tiền khối ngoại “dùng dằng” gây ảnh hưởng gì thị trường chứng khoán?

Dòng tiền khối ngoại “dùng dằng” gây ảnh hưởng gì thị trường chứng khoán?
Trong khoảng từ tháng 2 - 4.2020, khối ngoại đã rút tổng cộng hơn 16.800 tỉ đồng (khoảng 715 triệu USD) ra khỏi thị trường Việt Nam thông qua việc bán ròng trên thị trường chứng khoán. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại giảm xuống, nhưng lại xảy ra tình trạng “dùng dằng” chưa rõ xu hướng.

Trong tuần giao dịch đầu tháng 5 sau khi nghỉ lễ, khối ngoại nhìn chung vẫn tiếp tục bán ròng. Trong đó, trên sàn HoSE, nhà đầu tư ngoại bán ròng mỗi phiên khoảng trên 100 tỉ đồng, giảm khoảng 60% so với giá trị bán ròng mỗi phiên trong 3 tháng từ tháng 2-4.2020.

Tuy nhiên, tính từ phiên giao dịch ngày 8.5 trở lại đây, khối ngoại lại cho thấy sự “dùng dằng” đan xen giữa mua ròng  và bán ròng.

Đơn cử, ngày 8.5 khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng trên toàn thị trường khoảng 62 tỉ đồng. Sang phiên giao dịch đầu tuần này ngày 11.5, khối ngoại lại “quay ngoắt” sang bán ròng trên toàn thị trường gần 400 tỉ đồng. Đến phiên giao dịch ngày 12.5, khối ngoại quay trở lại mua ròng khoảng 69 tỉ đồng (cộng gộp cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCom).

Chuyên gia Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, phiên ngày 11.5 khối ngoại bán ròng gần 400 tỉ đồng trên toàn thị trường. Nhưng trên thực tế số liệu, phiên này chỉ riêng mã cổ phiếu PC1 được giao dịch bán thỏa thuận đã lên đến hơn 415 tỉ đồng.

Theo vị chuyên gia, nếu tính trừ đi khoản bán thỏa thuận các mã PC1, SVC, VCI thì khối ngoại giao dịch khớp lệnh mua ròng hơn 100 tỉ đồng.  “Nếu có bán ròng thì chủ yếu giao dịch thỏa thuận nên không ảnh hưởng đến diễn biến thị trường”, chuyên gia Kim nhận định.

Một điểm được cho là tín hiệu tích cực từ khối ngoại là giá trị mua ròng trong vài phiên vừa qua tập trung hầu hết vào các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn VN30. Yếu tố này giúp cho tỉ trọng giá trị giao dịch nhóm cổ phiếu VN30 tăng lên ở mức trên 50% tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE mỗi phiên.

Giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại trong phiên ngày 11.5 được cho là chủ yếu giao dịch thỏa thuận. Nguồn: MBS.

Theo những con số thống kê trên sàn HoSE, dòng tiền khối ngoại mua vào trong những phiên vừa qua đóng góp tỉ trọng cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 13% tổng giá trị giao dịch của mỗi phiên. Như vậy sự “lĩnh xướng” làm sôi động thị trường chủ yếu là dòng tiền của nhà đầu tư nội, đặc biệt trong đó là dòng tiền từ các nhà đầu tư mới.

Nhiều chuyên gia tại các công ty chứng khoán cho rằng, xu hướng dòng tiền từ khối ngoại tới thời điểm này vẫn chưa rõ ràng. Theo chuyên gia Hoàng Thạch Lân thuộc Công ty chứng khoán Rồng Việt, động thái của khối ngoại cần được theo dõi thêm xem có kéo dài việc mua ròng một cách bền vững hay không.

Trong trường hợp khối ngoại kéo dài mua ròng và giá trị giao dịch lớn sẽ tạo ra sự đồng thuận với dòng tiền nhà đầu tư nội, giúp thúc đẩy thị trường sôi động hơn. 

Dòng vốn ngoại mua ròng là điều mà rất nhiều bên mong chờ, từ những nhà quản lí thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nội, các công ty chứng khoán… Tuy nhiên, sự “dùng dằng” của dòng tiền ngoại đang khó đoán định, qua đó cũng tác động nhất định tới thị trường.

THẾ LÂM

Tags: Dòng Tiền Khối Ngoại Thị Trường Chứng Khoán Bán Ròng Giao Dịch Hose Nhà Đầu Tư Ngoại Giá Trị Bán Ròng Mua Ròng Khớp Lệnh Cổ Phiếu Chứng Khoán Giao Dịch Chứng Khoán