Hàng hóa Trung Quốc và các nước châu Á chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ, ngày 14/9/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Washington, Mỹ, đã đưa ra đánh giá và dự báo về 5 vấn đề kinh tế quốc tế chính tác động tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020, gồm thương mại, công nghệ, đồng tiền số, chiến lược kinh tế của Trung Quốc và quản trị kinh tế toàn cầu.
Trong vấn đề thương mại, năm ngoái, Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Trung Quốc (dự kiến chính thức ký ngày 15/1 tới) và thỏa thuận sơ bộ với Nhật Bản.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là thỏa thuận này sẽ kéo dài bao lâu khi chưa có chi tiết, cơ chế thực thi rõ ràng, và cũng chưa giúp giải quyết phần lớn mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng, sau khi cơ quan phúc thẩm của tổ chức này thiếu vắng thành viên do Mỹ từ chối thông qua việc bổ nhiệm thẩm phán mới.
Các thỏa thuận sau đó giữa Mỹ và hai đối tác thương mại Trung Quốc và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ đối mặt với thách thức lớn trong năm tới và điều này còn phụ thuộc vào ai sẽ lên nắm quyền tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới năm 2021.
Về lĩnh vực công nghệ, những diễn biến trong năm 2019 vừa qua đã nhấn mạnh bản chất đầy rủi ro của cuộc cạnh tranh công nghệ và cũng cho thấy thách thức của việc phát triển chính sách đối phó một cách hiệu quả.
Một vấn đề hiện nay là những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và công nghệ sinh học có thể tạo ra những thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với các nước xét về góc độ an ninh và kinh tế.
Cho đến thời điểm này, cạnh tranh công nghệ mới chỉ được "đóng khung" phần lớn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh hai chiều này sẽ sớm có khả năng lan rộng sau khi Liên minh châu Âu thể hiện quan điểm ngày càng quyết đoán hơn về vấn đề “tự chủ công nghệ” trong một số lĩnh vực trọng điểm.
Trong khi đó, những tiến bộ về công nghệ đã đặt nền móng cho sự phát triển của đồng tiền số, điển hình là đồng tiền Libra của Facebook.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương của các nước cũng như các bộ trưởng tài chính đang khẩn trương đánh giá những tác động mà việc lưu thông các loại tiền số có thể gây ra.
Việc triển khai những tiến bộ về đồng tiền số sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng như các quy định trong tương lai.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng những bước phát triển của đồng tiền số sẽ tác động đến hệ thống tiền tệ quốc tế và có thể cả đồng bạc xanh của Mỹ.
Bên cạnh đó, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong năm 2020, do đang gặp phải những khó khăn ở cả trong và ngoài nước.
Điều này sẽ dẫn đến hai xu hướng là Trung Quốc sẽ “đa dạng hóa” BRI, tức thành lập một trung tâm hợp tác đa phương nhằm đa dạng nguồn tài nguyên và chia sẻ rủi ro.
Xu hướng thứ hai là tăng cường cơ sở hạ tầng số giúp giảm thiểu phí tổn cho các nước nhận hỗ trợ tài chính hoặc các loại hình cơ sở hạ tầng khác, đem lại những giá trị chiến lược và thương mại cho Bắc Kinh.
Trong bối cảnh tập đoàn công nghệ Huawei và các tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc đang đối mặt với sự kiểm duyệt gắt gao của nhiều nước, Trung Quốc sẽ triển khai BRI ở các thị trường đang phát triển và mới nổi.
Liên quan đến vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu, dự kiến có hai hội nghị thượng đỉnh thường niên sẽ diễn ra trong năm 2020.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra tại Trại David, Mỹ, vào giữa tháng Sáu.
Hàng loạt vấn đề cấp thiết sẽ được thảo luận tại sự kiện này như tình hình Trung Đông, những quan ngại hạt nhân về Triều Tiên và Iran.
Sự kiện thứ hai là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến sẽ diễn ra tại Saudi Arabia vào tháng 11.
Trong những năm gần đây, việc tạo ra tiến triển đối với chương trình nghị sự thực chất của G20 luôn là thách thức.
Mặc dù tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vừa qua, Nhật Bản đã thúc đẩy được một số sáng kiến hữu ích trong các lĩnh vực như quản trị dữ liệu và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, song việc triển khai trên thực tế vẫn sẽ cần được theo dõi trong năm 2020.
Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2020, cho dù là do một cuộc xung đột thương mại mới hay vì những căng thẳng tài chính ở Trung Quốc hoặc Mỹ Latinh thì G20 có thể có cơ hội để tái lập sự gắn kết và thống nhất vốn được thể hiện tại các hội nghị đầu tiên được tổ chức sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008./.
(Vietnam+)