Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch, nhu cầu du lịch lập tức trở lại và được dự đoán sẽ bùng nổ rất mạnh. Theo chuyên gia, hưởng lợi nhất từ sức bật này sẽ là các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
"Cặp bài trùng" du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng
"Chính thức xách vali lên và đi sau kỳ nghỉ Tết dài nhất cuộc đời", chia sẻ của Lê Vi trên mạng xã hội nhận được nhận được cả trăm lời bình luận của bạn bè. Vi là một trong số rất nhiều trường hợp đã phải hủy kế hoạch du lịch của mình vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và giờ đây, thị trường du lịch vốn nguội lạnh 3 tháng qua đang chuẩn bị hứng làn sóng lớn từ nhu cầu có thể tăng vọt.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) gọi đó là nhu cầu "du lịch trả bữa". Nhu cầu này đặc biệt lớn từ những người trong dịch vẫn có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập và muốn thoát khỏi cảnh "cầm chân" ở nhà thời gian dài.
Theo ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng phòng Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Hanoi Redtours, thị trường du lịch thời gian tới sẽ bùng nổ, xuất phát từ lượng khách trong nước tăng mạnh. Lý do bởi người Việt có thói quen đi du lịch bằng tiền tiết kiệm thay vì "tiêu trước trả sau" như nhiều nước. Ông cho rằng, dịch bệnh xuất hiện trong 1-2 tháng có thể ảnh hưởng thu nhập ngắn hạn, nhưng tiền tiết kiệm nhiều năm vẫn còn và người dân sẽ sẵn sàng chi trả để giải tỏa tâm lý.
Ông Hoan cũng dự báo, khi điều kiện cho phép, khách quốc tế cũng sẽ đổ về Việt Nam, bởi chưa khi nào hình ảnh một Việt Nam an toàn và thân thiện lại được nhắc tới nhiều như vậy trong thời gian qua.
Về tác động của bùng nổ du lịch tới các ngành nghề khác, ông Hoàng Nhân Chính nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là kênh hưởng lợi lớn nhất.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, dịch bệnh chỉ là khó khăn trước mắt trong khi thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam rất hấp dẫn, nhìn vào số liệu tăng trưởng du lịch hàng năm.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, du khách quốc tế đến Việt Nam những năm qua tăng mạnh. Gần nhất, năm 2019, lượng du khách tăng 16,2%, đạt hơn 18 triệu lượt. Lượng khách nội địa năm 2019 cũng tăng 6% và đạt trên 85 triệu lượt khách. Tăng trưởng mạnh nhất là những điểm đến đang nổi như Phú Quốc với hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Lượng du khách tăng trưởng nhanh, trong khi số phòng nghỉ dưỡng chưa đáp ứng kịp chính là cơ hội rất lớn của bất động sản du lịch (condotel).
"Chọn mặt gửi vàng" đón cơn sóng lớn
Theo giới chuyên gia, sức hấp dẫn của căn hộ du lịch nằm ở hai yếu tố: vừa nghỉ dưỡng vừa khai thác cho thuê. Kênh đầu tư này an toàn và “nhàn” hơn rất nhiều kênh khác, bởi người mua nhà nhận được cam kết từ đầu lợi nhuận của chủ đầu tư và có thể ủy thác việc quản lý, vận hành cho các đơn vị chuyên nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đợt dịch bệnh vừa qua đã sàng lọc hữu hiệu chủ đầu tư có nội lực bản chất hay không. Trong khi rất nhiều khách hàng“khóc ròng” vì chủ đầu tư không giữ lời, cắt hoặc trì hoãn trả lợi nhuận vô thời hạn, thì những người chọn dự án condotel của chủ đầu tư uy tín vẫn được đảm bảo cam kết dù chính doanh nghiệp phải gánh phần thiệt.
Mới đây, chị Mỹ Hạnh, một nhà đầu tư tại Hà Nội, chia sẻ trên mạng xã hội, chị vừa nhận được hóa đơn chi trả lợi nhuận từ công ty Vinhomes cho một căn hộ khách sạn chị đầu tư tại Nha Trang. Theo chị Hạnh, việc chủ đầu tư trả đúng cam kết đã quý, trong thời điểm dịch bệnh, du lịch đóng băng vì giãn cách xã hội mà chủ đầu tư vẫn trả lợi nhuận đúng và đủ cho nhà đầu tư là chuyện “không thể tin được”.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, đó là cách làm chỉ có ở những doanh nghiệp có tiềm lực và cách nghĩ lớn, không chỉ muốn giữ uy tín cho bản thân thương hiệu của mình mà còn cho cả thị trường.
Về việc hoàn thiện khung pháp lý với loại hình này,chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đó là một bước ngoặt với bất động sản nghỉ dưỡng. Trước đó, không ít người thấy được sự hấp dẫn của condotel nhưng ngần ngại vì loại hình này chưa được "khai sinh" một cách chính thức. Bởi thế, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn chế độ sử dụng đất cho condotel với thời hạn giấy chứng nhận 50 - 70 năm, rào cản tâm lý không còn, các nhà đầu tư đầu tư đã mạnh tay hơn rất nhiều.
Ông Ánh cũng nhắc tới thực tế, một số trường hợp chủ đầu tư làm ăn không nghiêm túc đã khiến thị trường bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi mọi thứ vỡ lở và thị trường có thời gian thanh lọc, nhà đầu tư cũng có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về những khoản đầu tư của mình. Địa chỉ đặt niềm tin vô cùng quan trọng, đó phải là những chủ đầu tư có nguồn lực lớn, uy tín, có năng lực vận hành, đặc biệt phải giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Bài học “đau thương” cho nhiều người là chọn những nhà đầu tư đơn thuần "buôn bất động sản", không hề có kinh nghiệm khai thác du lịch cũng như hệ sinh thái đi kèm.
Nhìn lại tình hình thị trường hiện tại, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, bất động sản nghỉ là kênh rất tốt với những người có tiền nhưng chưa biết đầu tư vào đâu. Ông đặc biệt nhấn mạnh thời điểm này bởi khi hết dịch, nhu cầu chắc chắn sẽ tăng cao, cơ hội để tiếp cận các dự án tốt, khả năng sinh lời cao sẽ không còn dễ dàng như hiện tại.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đưa thêm dự báo về dòng vốn ngoại có thể đổ về Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là khi chính sách cho nhà đầu tư linh hoạt hơn. "Vốn ngoại sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng. Ngay từ bây giờ, mọi người có thể chọn cho mình chủ đầu tư có sự ổn định, mong muốn đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ, có thị trường riêng và khách hàng lớn. Đó sẽ bảo chứng cho khoản đầu tư của mình", vị chuyên gia tổng kết.
Hải Nam