Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ sẽ tạo lực đẩy lớn cho Trung Quốc trong tham vọng dẫn đầu thế giới về blockchain.
Theo CNBC, động thái này cho phép nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới kiểm soát sự phát triển của công nghệ non trẻ, nhất là khi họ hoàn toàn không gặp phải sự cạnh tranh ở các khu vực như Mỹ và châu Âu.
Blockchain được biết tới rộng rãi khắp thế giới vì nó là công nghệ đứng sau đồng tiền số Bitcoin. Nó được mô tả là một sổ cái công khai, bất biến và không thể giả mạo. Ngoài ra, nó còn "phi tập trung", có nghĩa là không thể bị kiểm soát bởi bất cứ ai hay bất cứ quốc gia nào.
Hồi tháng 10, ông Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu trong đó nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần nắm bắt những cơ hội mà blockchain có thể mang lại. Điều này khiến ông Tập trở thành một trong nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới công khai ủng hộ blockchain. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn cho rằng blockchain là bước đột phá quan trọng trong việc cải tiến một cách độc lập các công nghệ cốt lõi.
"Đây là dấu mốc cự kỳ quan trọng, không chỉ với Trung Quốc mà còn cả thế giới", Garrick Hileman, người đứng đầu một viện nghiên cứu về tiền số và các nền tảng giao dịch trên blockchain, nhận định về sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình. "Trong khi các nước đổ dồn sự chú ý vào trí tuệ nhân tạo hay tự động hóa, phát biểu của ông Tập có thể đưa blockchain vào hàng ngũ này".
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc cấm giao dịch các loại tiền điện tử như bitcoin. Chính phủ cũng cấm hoạt động ICO (chào bán tiền điện tử ra công chúng) của các công ty tự tạo ra loại tiền điện tử của riêng mình. Tuy nhiên, những giao dịch tiền số vẫn diễn ra không chính thức ở Trung Quốc. Thậm chí, đất nước này còn là nơi các hoạt động "đào" bitcoin và các loại tiền điện tử khác diễn ra khá mạnh.
Dẫu vậy, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ phản đối blockchain, công nghệ tạo ra các loại tiền ảo.
Phát biểu của ông Tập khiến giá bitcoin tăng vọt khi người ta hy vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách với tiền số. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định niềm hy vọng này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chỉ tập trung vào phát triển công nghệ blockchain chứ không mở cửa cho các loại tiền số.
"Trong tương lai gần, chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết thúc đẩy sự phát triển của công nghệ blockchain thay vì các ứng dụng tiền số", ông Lawrence Lawrence Wintermeyer, đồng chủ tịch của Global Digital Finance - một tổ chức chuyên thúc đẩy công nghệ tài chính kỹ thuật số, nhận định.
Trung Quốc là nước gây được nhiều ấn tượng về sự phát triển, đặc biệt là công nghệ, trong những năm trở lại đây. Năm 2017, Chính phủ Trung Quốc vạch kế hoạch chi tiết về việc trở thành trung tâm thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030. Gần đây, Trung Quốc đã chính thức triển khai nghiên cứu và phát triển mạng di động 6G trong khi mạng 5G mới được triển khai một tuần trước đó.
Việc được Chính phủ hậu thuẫn mang lại cho các doanh nghiệp Trung Quốc động lực để phát triển công nghệ. Trở lại câu chuyện blockchain, phát biểu của ông Tập trở thành động lực vô cùng to lớn. Các chuyên gia về blockchain cũng rất thấy hào hứng và kỳ vọng Trung Quốc sẽ đạt được những thành tựu như trong AI và Big Data không lâu trước đây.
Sự phát triển của blockchain ở Trung Quốc đang có những bước tiến đáng kể. Kể từ tháng 3, hơn 500 dự án blockchain đã được đăng ký với Cục Quản lý mạng Trung Quốc. Một số công ty internet lớn nhất Trung Quốc, trong đó có Tencent và Huawei, cũng đã đăng ký các dự án loại này.
Hiện tại, công nghệ blockchain vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng nó đã được xem xét rất kỹ lưỡng trong một số lĩnh vực ở Trung Quốc, từ phòng chống gian lận, an toàn thực phẩm và chuỗi cung ứng cũng như theo dõi từ thiện hay các nhiệm vụ khác.
Hiện tại, Hải Nam, một tỉnh miền nam Trung Quốc, đã được chọn để thí điểm blockchain với mục đích thúc đẩy sự phát triển của công nghệ này. Huobi, một sàn giao dịch tiền số, đã mở cửa hàng ở Hải Nam. Baidu cũng đã mở trụ sở của mình ở tỉnh này.
Việc làm này của Trung Quốc được xem là cách giảm thiểu rủi ro, nhất là với những công nghệ được cường điệu bởi đám đông. Việc thử nghiệm cũng giúp Trung Quốc có thể biết được tất cả các mặt trái và hạn chế của blockchain.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng duy trì sự ảnh hưởng của mình với công nghệ mới thông qua các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Nếu blockchain thực sự trở thành cuộc cách mạng như được kỳ vọng, Trung Quốc có thể nhanh chóng nhân rộng nó trên toàn bộ đất nước. Ở trường hợp ngược lại, blockchain không như kỳ vọng, nó sẽ chỉ dừng lại ở Hải Nam và phần còn lại của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.
Sự cẩn trọng của Trung Quốc được xem là cần thiết bởi ngoài sự cường điệu, blockchain vẫn chưa thể sống được với năng lực của mính mình. Hầu hết các dự án blockchain đều đang bị mắc kẹt trong chế độ thử nghiệm. Ngay cả với tiền số, blockchain vẫn chưa thể tạo ra được cuộc cách mạng và các phương thức thanh toán hiện hữu đang tỏ ra ưu việt hơn.
Bên cạnh đó, ngoài Trung Quốc, có rất ít quốc gia ủng hộ blockchain. Ở Mỹ, dự án tiền điện tử Libra của Facebook đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì thiếu các chính sách và khuôn khổ pháp lý. Tuy nhiên, đèn xanh được chính phủ Trung Quốc bật lên với blockchain có thể sẽ tạo ra được những thay đổi.
Linh Anh (Tham khảo CNB)