Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ
Phát biểu tại Phiên họp Cấp cao của Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững đã đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của các chuyên gia, châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực đang cho thấy những tiến triển còn chậm trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng ta cần thúc đẩy sự phối hợp hành động giữa Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập cụ thể trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và đây là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới việc đạt được các mục tiêu còn lại”, Phó Thủ tướng Thường trực nhận định.
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, theo số liệu gần đây của Ủy ban Liên Hợp Quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), ước tính, các quốc gia đang phát triển trong khu vực mỗi năm cần thêm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD cho đầu tư, tương đương với 5% tổng GDP của các quốc gia này năm 2018. Riêng nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 900 tỷ USD.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể trong bảo đảm nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả.
Cách tiếp cận này không chỉ hướng tới các giải pháp khuyến khích huy động các nguồn lực tư nhân trong xã hội, trong và ngoài nước mà còn hướng tới việc sử dụng một cách có hiệu quả, đúng đắn, minh bạch và bền vững các nguồn lực công vốn đã rất hạn hẹp.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững luôn là 2 yếu tố song hành, mang tính sống còn, then chốt và trung tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua các giai đoạn phát triển.
“Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Việt Nam coi đây là một trong 3 đột phá chiến lược (bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực), là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đạt được mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Việt Nam khẳng định trong thời gian tới, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
4 nhóm nhiệm vụ chính
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Việt Nam tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm:
a) Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng;
b) Tăng cường huy động nguồn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030
c) Ưu tiên đầu tư công vào các lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc các dự án không kêu gọi, thu hút được nhà đầu tư, trước mắt hoàn thành sớm các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không quốc tế, các dự án tạo nền tảng tiếp cận và nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số;
d) Thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quá trình đầu tư, triển khai các dự án.
Huy động nguồn lực đầu tư
Về các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Việt Nam coi đây là định hướng cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong quản lý và điều hành, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong xã hội vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: Đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công; triển khai xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia với mục tiêu hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Kiến An