Cụ thể, dịch Covid-19 bùng phát khiến tiêu thụ tôm tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán giảm so với thông lệ hàng năm, dẫn đến tồn kho tôm tại nước này ở mức cao.
Trong 3 tháng cuối năm 2019, nhằm chuẩn bị cho tiêu dùng dịp Tết vào tháng 01/2020, nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh, vượt quá mức 700.000 tấn. Do đó, tồn kho tôm của Trung Quốc ở mức rất cao và khó có khả năng giảm trong ngắn hạn.
Về sản xuất, dịch Covid-19 sẽ khiến việc thả nuôi tôm tại Trung Quốc bắt đầu vào tháng 3, tháng 4 năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc là một trong những quốc gia nuôi tôm lớn tại khu vực châu Á. Do đó, FAO dự báo sản lượng tôm nuôi nửa đầu năm 2020 sẽ ở mức thấp.
Trong thương mại, các nhà xuất khẩu tôm sẽ thúc đẩy thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, cho đến khi tiêu thụ ở Trung Quốc trở lại bình thường, điều này sẽ khiến giá tôm giảm.
Ngoài ra, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 02/2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 219,9 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do 15 ngày đầu tháng 02/2019 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/02/2020, xuất khẩu thủy sản đạt 711,1 triệu USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản nhiều khả năng sẽ giảm do nguồn cung vượt nhu cầu khi nhập khẩu của các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thủy sản các loại trong 15 ngày đầu tháng 02/2020 đạt 68,4 triệu USD, tăng mạnh so với 15 ngày đầu tháng 02/2019. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/02/2020, nhập khẩu thủy sản đạt 186,3 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.