Vào lúc 8h37 sáng nay (ngày 12/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 73 cents tương ứng 1,3% lên 54,75 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 46 cents tương ứng 0,9% lên 50,39 USD/thùng.
Giá dầu thô đã phục hồi tăng phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thị trường giảm bớt lo ngại về tác động của dịch virus Corona đến nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc khi nước này ghi nhận số lượng ca nhiễm bệnh mới giảm ngày thứ hai liên tiếp, dấu hiệu có thể cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức y tế cấp cao của Trung Quốc cho biết dịch bệnh có thể bị dập tắt trong hai tháng nữa.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng nhận được sự hỗ trợ từ thị trường chung khi hàng loạt thị trường chứng khoán đồng loạt tăng điểm do các nhà đầu tư lạc quan hơn về tác động của dịch virus Corona đến nền kinh tế Trung Quốc lẫn nền kinh tế toàn cầu.
Dịch virus Corona bùng phát mạnh tại Trung Quốc đã khiến thị trường lo ngại các tác động tiêu cực của dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như của toàn cầu giảm xuống; tạo áp lực lớn lên giá dầu thô. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent lẫn dầu thô WTI đã giảm hơn 20%. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (11/2), giá dầu thô đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019.
Dự báo triển vọng năng lượng mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu, giảm 310.000 thùng/ngày so với dự báo trước đây chủ yếu do sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh tại Trung Quốc đã cắt giảm sản lượng dầu thô sử dụng đến 940.000 thùng/ngày – tương ứng 1% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Các quốc gia thành viên khối OPEC cùng một số nước khai thác dầu thô đồng minh (khối OPEC+) đang cân nhắc phương án cắt giảm sản lượng khai thác thêm 600.000 thùng/ngày nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa đồng thuận với phương án khai thác này mặc dù Ả-rập Xê-út đã thúc giục khối OPEC+ cần phải hành động nhanh. Nga hiện là quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất trong số 10 nước khai thác dầu thô đồng minh của khối OPEC; trong khi đó, Ả-rập Xê-út là nước có sản lượng khai thác lớn nhất khối OPEC.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Ả-rập Xê-út cần duy trì giá dầu thô tại mức 80 USD/thùng để đảm bảo nguồn thu ngân sách của nước này.
Quang Đặng (Tổng hợp)