Hiện tại, mỗi thùng WTI giao dịch quanh 11,1 USD, giảm 13,6% so với hôm qua. Dầu Brent mất 4% về 19,18 USD một thùng.
Sáng nay, WTI có thời điểm mất 15,3% về 10,8 USD, sau khi đã giảm tới 25% hôm qua. Cả hai loại dầu chủ chốt của thế giới đã đi xuống 8 trong 9 tuần gần nhất.
Đại dịch khiến nhu cầu dầu thô toàn cầu bốc hơi gần một phần ba, khiến giá liên tiếp xuống đáy vài tháng qua. "Giá dầu giao tháng 6 giảm do nhu cầu thực tế quá thấp so với sản xuất. Năng lực lưu trữ cũng có giới hạn", Reid Morrison – nhà phân tích dầu khí tại PwC nhận xét trên CNBC, "Thị trường sẽ còn biến động lớn khi các nền kinh tế cân nhắc giữa việc tiếp tục phong tỏa và mở cửa lại nền kinh tế".
Giá dầu hôm qua chịu sức ép sau khi quỹ đầu tư nổi tiếng United States Oil Fund cho biết từ ngày 27/4 sẽ bán hết hợp đồng dầu giao tháng 6 để chuyển sang các hợp đồng dài hạn hơn. "Động thái của USO cho thấy họ đánh giá triển vọng dầu thô Mỹ tháng 5 và 6 rất ảm đạm", Cailin Birch – nhà kinh tế học tại EIU nhận xét.
Khi nhu cầu giảm, hàng loạt nước sản xuất dầu cũng thông báo hạ sản lượng. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng chừng đó vẫn là chưa đủ để vực dậy thị trường dầu.
Đầu tháng này, OPEC và các đồng minh chấp thuận cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 5. Trong khi đó, các đại gia dầu Mỹ như Exxon và Chevron cũng đã thu hẹp quy mô hoạt động.
Dù vậy, Birch cho biết sản xuất dầu tại Mỹ vẫn ở mức kỷ lục trong quý I, "khiến các kho chứa gần như đã kín chỗ". Cả WTI và Brent đều đang trên đà có tháng giảm thứ 4 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Hà Thu (theo CNBC)