Giải đáp về vấn đề thuế nhập khẩu giảm nhưng giá mua ô tô không giảm, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô giảm 30%, năm 2018 giảm xuống 0%. Tuy nhiên, giá ô tô phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có thị hiếu, tiêu dùng, mức độ khan hiếm,... Ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu về nhiều từ thị trường ASEAN như Thái Lan, Indonesia (chiếm 90% tổng xe nhập khẩu).
“Vì thế mới có câu chuyện ngược đời như doanh nghiệp nhập ô tô về thời điểm cuối 2017, giữa lựa chọn khai 2017 hay để đến 1/1/2018 khai. Doanh nghiệp khai cuối 2017 để đầu năm sau có xe bán thay vì đăng ký 2018 dù hưởng thuế về 0%, do nhiều quy định giấy tờ, đăng kiểm...” - ông Hùng nói.
Liên quan đến việc người tiêu dùng trong nước cũng sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu ô tô từ EU giảm còn 0% trong 9 năm nữa, ông Hùng cho biết thêm, sau khi được chính thức ký kết ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU để tiến hành thủ tục phê chuẩn để có hiệu lực thực thi (dự kiến trong nửa đầu năm 2020).
Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Cụ thể hơn, một số nhóm mặt hàng chính sẽ được xóa bỏ thuế quan: Đối với ô tô trên 3.000cc cho động cơ xăng và ô tô trên 2.500 cc cho động cơ diesel sẽ xóa bỏ sau 9 năm, đối với các loại ô tô còn lại sẽ xóa bỏ sau 10 năm; linh kiện, phụ tùng ô tô xóa sau tối đa 7 năm; hóa chất tối đa 7 năm; đồ uống có cồn tối đa 10 năm; thịt bò 3 năm, thịt lợn đông lạnh 7 năm, thịt gà 10 năm; sữa và sản phẩm sữa 3-5 năm; cá và các sản phẩm cá 3-7 năm; thuốc lá, xì gà 15 năm; máy móc thiết bị tối đa 7 năm,...
Ông Hùng chia sẻ thêm, cam kết chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu, còn các thuế môi trường, chống bán phá giá, tự vệ,… vẫn theo quy định hiện tại.
Trả lời băn khoăn của báo chí về vấn đề số thu thuế nhập khẩu giảm mạnh từ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, cơ quan Hải quan không chỉ thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà còn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và một số thuế nhập khẩu bổ sung, thuế chống bán phá giá,…
Khi cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do thì chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quyết định hiện hành. Có những mặt hàng chỉ có một sắc thuế, khi thuế nhập khẩu bằng 0% thì vẫn còn thuế giá trị gia tăng; có mặt hàng vừa có thuế nhập khẩu vừa có thuế giá trị gia tăng; có mặt hàng có cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như mặt hàng máy lạnh.
Xăng dầu có tới 4 sắc thuế, đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường.
Ông Hùng chia sẻ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2018, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu của cả nước đã giảm 29.000 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2019, thuế nhập khẩu giảm 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong số thu của ngành Hải quan cũng giảm dần.
“Tuy tỷ trọng giảm song số thu của ngành Hải quan về giá trị tuyệt đối vẫn tăng. Toàn bộ số thu của ngành Hải quan thuộc về ngân sách Trung ương, số thu có giảm nhưng tổng số thu thì lại không giảm” - ông Lê Mạnh Hùng nói.
Hồng Vân