Khảo sát nhanh do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thực hiện sáng 15/5 tại chợ Nguyễn An Ninh, chợ Nghĩa Đô, chợ tạm Hoàng Cầu ở Hà Nội cho thấy, thịt nạc vai và thịt ba rọi vẫn được bán với giá 160.000-165.000 đồng mỗi kg, dù trước đó các doanh nghiệp lớn đã cam kết hạ giá heo xuống 60.000-65.000 đồng.
Lý giải điều này tại một hội thảo sáng 15/5, PGS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, diễn biến giá heo hơi tăng mạnh thời gian qua do thiếu hụt nguồn cung, chứ nguồn cầu không nhiều biến động.
Ngoài ra, các khâu trung gian – với sự tham gia của cơ sở chăn nuôi và chế biến lớn – đang tạo ra nhiều tác động đến cơ cấu giá thịt heo. Thịt heo từ cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ được bán cho cơ sở lớn, rồi lần lượt tới tay các đại lý và lò mổ. Sau đó, lò mổ tiếp tục bán cho nhà phân phối và kênh phân phối lẻ.
"Mỗi khâu chỉ cần tăng 10% giá bán ra cũng đủ khiến người tiêu dùng phải mua thịt heo với giá cao", ông Cường nhận định.
Tương tự, ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) – chia sẻ, nhiều người tiêu dùng hiện phải chấp nhận giảm chất lượng sản phẩm hoặc thay đổi thói quen và nhu cầu tiêu dùng - lựa chọn sản phẩm kém chất lượng hơn với giá rẻ và không được đảm bảo sự minh bạch về giá - do không thể biết có bao nhiêu khâu trung gian.
Lý giải thực trạng này, ông Quảng cho hay, khâu sản xuất kinh doanh thịt heo hiện có nhiều doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân tham gia. Ở mỗi khâu trong quy trình giết mổ, phân phối, lưu trữ và bảo quản thịt đều có nhóm doanh nghiệp hoặc nhóm kinh doanh sở hữu lợi thế riêng hoặc nắm giữ thị phần lớn. 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nắm khoảng 30% thị phần trên thị trường.
"Thị trường thịt heo không biến động nhỏ lẻ mà theo dạng sóng, đồng loạt. Chúng tôi đang thu thập thông tin về việc có hay không hành vi lạm dụng, làm giá", ông Quảng chia sẻ.
Đề xuất giải pháp bình ổn giá thịt heo trong nước, ông Quảng cho rằng cần minh bạch hoá thông tin trên thị trường.
"Cần xây dựng nền tảng điện tử có khả năng tổng hợp, kết nối toàn bộ thông tin thị trường do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh, thành cung cấp để người tiêu dùng dễ dàng tham khảo, lựa chọn sản phẩm chất lượng với mức giá phù hợp", ông Cao Xuân Quảng cho biết.
Còn ông Hoàng Văn Cường đề xuất đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá thông qua giải pháp bình ổn nguồn cung - thay đổi hệ thống phương thức tiêu dùng, tăng tỷ lệ sản phẩm dự trữ đông lạnh - nhằm khống chế giá trần.
Ngoài ra, ông cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm soát khâu trung gian. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát kỹ đến từng hộ chăn nuôi để công bố nguồn cung thực tế, quy mô đàn lợn. Còn Bộ Công Thương nên xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình chăn nuôi - chế biến - phân phối khép kín.
Ông Kiều Đình Thép - Phó tổng giám đốc Công ty C.P. Việt Nam – cho biết, doanh nghiệp đang tổ chức giết mổ khoảng 20% tổng lượng heo xuất bán mỗi ngày để cung cấp cho hơn 700 cửa hàng thịt sạch CP Porkshop nhằm giảm giá thành 10.000 - 15.000 đồng mỗi kg so với thị trường.
Ngoài ra, ông Thép cho biết C.P. Việt Nam đang triển khai một số dự án nhà máy giết mổ - pha lóc - chế biến tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam nhằm giảm bớt số lượng trung gian, góp phần giảm giá thành thịt heo.
Tại miền Bắc, doanh nghiệp dự kiến xây dựng nhà máy giết mổ và pha lóc thịt heo tại khu công nghiệp Phú Nghĩa với công suất giết mổ khoảng 2.000 con mỗi ngày.
Hoàng Thắng