Xu hướng đi du lịch thay đổi khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong khi các doanh nghiệp còn khó khăn, lo vực dậy sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động thì việc đi du lịch hàng năm bị gác lại. Các gia đình, nhóm nhỏ thì tự tổ chức chuyến đi cho mình, phần lớn không mua tour của công ty lữ hành.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các công ty du lịch năm nay khó bán tour, thậm chí chưa khởi động bán tour trở lại. Để lôi kéo khách, biện pháp liên kết giảm giá được đưa ra như một trong các giải pháp thu hút khách. Tuy nhiên, ngay cả việc giảm giá kích cầu cũng không dễ.
Hiện các công ty du lịch tung ra các tour giảm giá khuyến mại lên tới 30-50%, như Saigontourist, HanoiRedtour, Vietravel, Vietrantour,... Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist, người đi du lịch được hưởng lợi rất nhiều. Chưa bao giờ khách nội địa được hưởng dịch vụ cao cấp giá rẻ và hơn thế nữa, lại được chăm sóc cẩn thận, "an toàn".
Tuy nhiên, sau khi kết hợp với các đối tác hàng không, khách sạn,... thì giá tour giảm cho khách không thể cao hơn, trong khi bản thân khách tự đặt cũng được mức giá tốt, lại tự đi thoải mái mà không gò bó vào chương trình tour.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên một công ty ở Cầu Giấy (Hà Nội), khoe vừa đặt được giá vé máy bay Hà Nội - Nha Trang khứ hồi cho cả nhà 6 người hết gần 5,8 triệu đồng (đã gồm thuế phí) đi vào đầu tháng 8. Chuyến đi 4 ngày 3 đêm, cộng cả tiền phòng khách sạn 5 sao hơn 3 triệu đồng, tính ra số tiền ban đầu chỉ hết khoảng 2 triệu đồng/người, chưa kể ăn uống và các chi phí khác.
“Năm nào cũng đi du lịch mà chưa bao giờ tôi đặt được vé máy bay và khách sạn rẻ đến vậy. Công ty thì hay mua tour cho toàn bộ nhân viên, nhưng năm nay im re, chắc là sẽ hủy”, chị kể.
Tự đi chi phí rẻ hơn cả mua tour. Trong khi đó, bản thân các đơn vị lữ hành cũng thừa nhận, trong giai đoạn khó khăn này, nếu giảm giá sâu nhà cung cấp lấy đâu ra kinh phí để duy trì. Do vậy, đợt kích cầu giảm giá có thể chỉ từ nay đến hết tháng 6.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang đứng trước bài toán nan giải. Nếu không giảm giá thì khó thu hút khách, mà giảm sâu thì sau này khó trở về mức giá bình thường, giảm lâu quá thì không có lãi. Do vậy, không ít đơn vị xác định lượng khách nội địa năm nay giảm nhiều, chỉ cầm cự chờ sang năm. Nói như ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty AZA, thì bán tour không lợi nhuận để sống sót qua đại dịch.
Một khảo sát mới đây của Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho thấy, 82,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định hoạt động kinh doanh không trở lại bình thường vào trước quý 4/2020. Thậm chí, hơn 41% doanh nghiệp dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau thì mới có thể phục hồi trở lại.
Có dự báo bi quan hơn, cho rằng chỉ 40% khách dự định đi du lịch trong vài tháng tới, mà giờ đã hết nửa năm. Du lịch nội địa giờ khó có thể lấp được chỗ trống - vốn dành cho hơn 80 triệu khách nội địa và 18 triệu khách quốc tế. Giá lại phải giảm để thu hút khách, trong khi dòng tiền đã cạn khiến DN vô cùng khó, nhiều đơn vị có thể không trụ được, vị giám đốc lữ hành nhận xét.
Ông Trần Thế Dũng, Phó GĐ Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, Phó Chủ nhiệm Nhóm Khuyến mãi kích cầu TP.HCM, cho rằng, khai thác khách quốc tế khó khăn nên các DN chỉ biết trông chờ vào khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp dịch vụ không chung tay góp sức, triển khai không đồng bộ thì chẳng những không kích thích được du khách mua tour mà còn đẩy họ đi du lịch tự phát như dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua.
Do đó, để kích cầu du lịch nội địa thành công giải pháp đầu tiên là hợp lực giảm giá. Các địa phương cần chốt lại danh sách các đơn vị cung ứng dịch vụ tiếp tục tham gia với mức giảm cụ thể để phía lữ hành có cơ sở làm giá tour; đồng thời ngăn chặn tình trạng khách sạn, khu du lịch, tàu thuyến, nhà xe,... lúc khó khăn thì hô hào tham gia nhưng khi đông khách thì rục rịch tăng giá, tát nước theo mưa.
Ngoài ra, các hãng hàng không dù đã giảm giá nhưng nên thay đổi phương thức thức đặt, xuất vé theo nhu cầu, với giá giảm cụ thể thay vì hình thức series booking như trước.
Ông Dũng nhận xét: Hiện nay các sản phẩm du lịch Việt Nam còn nghèo nàn, nhàm chán, quay đi quay lại các công ty chỉ có những sản phẩm là bản sao lẫn nhau nên du khách không hứng thú, thường chọn đi du lịch nước ngoài. Do đó, các đơn vị cần bỏ vốn, khảo sát độc lập để thiết kế sản phẩm mới nhằm tạo lợi thế cho mình, hấp dẫn khách.
Thời điểm này các DN lữ hành đang rất khó khăn về vốn. Vì thế, ông Dũng kiến nghị rất cần Chính phủ hỗ trợ bằng cách giảm thuế VAT còn 5% thay vì 10%, giảm thuế thu nhập doạnh nghiệp còn 15% thay vì 20% như hiện nay.
Trước đó, TAB cũng đề xuất Chính phủ xem xét bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng giá trị 150 ngàn tỷ, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, để giúp các DN du lịch và lữ hành.
Ngọc Hà