Chốt phiên hôm qua (13/4), mỗi ounce vàng tăng 27 USD lên 1.713 USD. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/3, giá vượt mốc 1.700 USD. Trong phiên, kim loại quý có thời điểm chạm 1.726 USD một ounce – cao nhất kể từ tháng 12/2012.
Sáng nay, giá tiếp tục đi lên, hiện giao dịch quanh 1.718 USD một ounce. Thị trường đi lên do nhà đầu tư lo ngại về tác động của đại dịch lên kinh tế toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ. "Chứng khoán Mỹ vẫn đang biến động lớn. Những người không thể chịu được diễn biến đó đang tiếp tục đổ tiền vào vàng", Phil Streible – kinh tế trưởng tại Blue Line Futures nhận xét, "Tôi vẫn cho rằng lạm phát là nguyên nhân lớn nhất giúp vàng tăng mạnh".
Các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ hôm qua đi xuống, do các doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý được dự báo sẽ rất tệ vì đại dịch. Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố gói kích thích 2.300 tỷ USD để xoa dịu tác động kinh tế của Covid-19. Cuộc khủng hoảng này đến nay đã khiến 16,8 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý hỗ trợ 500 tỷ euro cho các nền kinh tế trong khối.
Đến nay, đại dịch đã khiến hơn 1,8 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh và hơn 113.000 người tử vong, buộc các nước phải phong tỏa và ngân hàng trung ương tung biện pháp kích thích.
"Lạm phát chậm lại do Covid-19 là một thách thức với vàng. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ đảo ngược trong nửa cuối năm, khi chính sách của các chính phủ và ngân hàng trung ương phát huy tác dụng", UBS cho biết trong một thông báo, "Nhờ chính sách nới lỏng của Fed, lãi suất thực ở Mỹ sẽ chìm sâu vào vùng âm, có thể xuống mức hậu khủng hoảng tài chính".
Trên thị trường vật chất, dự trữ tại quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng 0,6% lên 994,2 tấn hôm 9/4.