Giá vàng trong nước bất ngờ vượt qua ngưỡng 42 triệu đồng/lượng và ghi nhận mức tăng cao nhất trong khoảng 3 tháng qua. Ảnh: st
Đầu phiên giao dịch sáng 30/12, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 42,1 - 42,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 42,2 - 42,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, cả hai công ty này đều tăng giá vàng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua lẫn chiều bán so phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong khi đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu giữ nguyên giá vàng so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 42,19 - 42,34 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Điểm đáng chú ý của tuần giao dịch vừa qua là giá vàng trong nước đã bất ngờ vượt qua ngưỡng 42 triệu đồng/lượng và ghi nhận mức tăng cao nhất trong khoảng 3 tháng qua.
Trên thị trường vàng thế giới, các nhà phân tích ghi nhận giá vàng tuần qua tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây trước lo ng ại về đà tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn, sự thiếu chắc chắn trong tiến trình giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới và trong nước đều tăng khoảng 2%.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã thông báo về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, song trên thực tế, thỏa thuận vẫn chưa được chính thức ký kết. Điều này khiến các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng. Bên cạnh đó, cuộc thương chiến kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thúc đẩy nhiều ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ và tạo môi trường thuận lợi cho vàng lên giá.
Bình luận về diễn biến thị trường vàng những ngày gần đây, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, những ngày cuối năm, giá vàng trong nước tăng cùng nhịp với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng là do chứng khoán Mỹ tăng mạnh khiến giới đầu tư quan ngại sự bùng nổ quá nhanh với biên độ lớn của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ dẫn đến xu hướng điều chỉnh vào đầu năm 2020. Do đó, nhiều nhà đầu tư chia sẻ rủi ro bằng cách chuyển bớt danh mục đầu tư sang vàng để kỳ vọng chốt lời khi thị trường chứng khoán điều chỉnh.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn chưa suy giảm. Đặc biệt, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang ở đỉnh điểm và gây bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á. Bất kể Mỹ dính dáng phiêu lưu quân sự ở quốc gia nào đều có thể ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ và có thể làm cho giá vàng tăng.
“Các diễn biến trên cho thấy, tình hình kinh tế, địa chính trị trên thế giới vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn. Do đó, giới đầu tư muốn đầu tư vào vàng, qua đó đẩy giá vàng thế giới vượt mốc 1.500 USD/oz, kéo giá vàng trong nước vượt mốc 42 triệu đồng/lượng. Mức độ tăng của giá vàng trong nước tương ứng với biến động của thị trường thế giới”, ông Hải nói.
Dự báo về diễn biến giá vàng trong năm 2020, theo vị Chủ tịch VGB, vẫn còn nhiều ẩn số về tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới nên xu thế giá vàng trong cả năm sau là không dễ dự đoán.
“Khó dự báo được xu hướng giá cho cả năm, nhưng riêng trong quý I năm 2020, các rủi ro từ căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và các nước lớn vẫn còn, đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mới giải quyết được giai đoạn 1 với nhiều hoài nghi. Do đó, giá vàng thế giới và trong nước quý I có thể còn tiếp tục tăng. Mặt khác, từ giữa tháng 1/2020, các nước ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đều chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Âm lịch, đó cũng là thời điểm nhiều người dân muốn mua vàng nữ trang hoặc tích trữ theo truyền thống, qua đó đẩy tăng nhu cầu về vàng và góp phần đẩy giá vàng tăng”, ông Hải nhấn mạnh.
Xuân Yến