Sáng 30/1, thị trường tài chính trong nước mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá vàng miếng tại một số doanh nghiệp lớn đã tăng xấp xỉ một triệu đồng.
Cụ thể, đến 9h15 sáng, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào - bán ra vàng miếng ở mức 43,9-44,6 triệu đồng/lượng. Giá này đã tăng hơn 400.000 đồng so với phiên mở cửa hôm 29/1. Nếu so với phiên giao dịch cuối cùng năm Kỷ Hợi, giá vàng bán ra tại đây đã tăng hơn 800.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, các cửa hàng vàng của Tập đoàn DOJI sáng nay cũng giao dịch trở lại sau 7 ngày nghỉ Tết. Mức giá tại đây đã tăng lên ngưỡng 44,5 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn 650.000 đồng so với phiên gần nhất. Giá mua vào cũng được doanh nghiệp tăng 700.000 đồng, hiện đạt mức 41,15 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp khác như TPBank, Tập đoàn Phú Quý đều nâng giá bán vàng sáng nay trên ngưỡng 44,5 triệu đồng/lượng, tăng gần một triệu so với phiên giao dịch cuối cùng năm Kỷ Hợi (ngày 22/1).
Hôm nay cũng là phiên giao dịch đầu tiên của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) trong năm Canh Tý. Giá vàng niêm yết tại đây hiện đã tăng 650.000 đồng/lượng và đạt mốc 44,4 triệu đồng.
Trên thị trường thế giới, trong quãng thời gian Việt Nam và các thị trường khác ở châu Á đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng thế giới đã tăng xấp xỉ 20 USD/ounce.
Tính đến cuối phiên giao dịch đêm qua (theo giờ Việt Nam), vàng giao ngay trên sàn Kitco đóng cửa ở mức 1.578,1 USD/ounce, tăng 13 USD so với đầu phiên. Quy đổi theo tiền Việt, vàng thế giới đang giao dịch trong khoảng 44,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá hầu hết doanh nghiệp trong nước đưa ra.
Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 29/1 thông báo giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại1,5-1,75%.
Trong báo cáo khảo sát về vàng hàng năm của Công ty tư vấn Refinitiv GFMS mới công bố, hãng này dự báo vàng thế giới có thể đạt mức 1.700 USD/ounce ngay trong năm 2020. Nguyên nhân do sự kết hợp của chính sách tiền tệ từ ngân hàng trung ương và những bất ổn chính trị và kinh tế.