Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 7 năm vì căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau khi Mỹ ám sát chỉ huy quân đội hàng đầu của Iran Qasem Soleimani. Các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn như vàng, dầu và trái phiếu.
Bên cạnh rủi ro địa chính trị, các yếu tố vĩ mô cũng tăng thêm sức hấp dẫn của vàng - hàng rào chống lại sự bất ổn. Đồng USD suy yếu và lãi suất âm kéo dài tạo nên xu hướng tăng của giá vàng.
Giá vàng được tính bằng đồng USD, sự suy yếu của đồng bạc xanh đẩy giá vàng tăng và ngược lại. Trong khi đó, khi lãi suất âm, tỷ lệ lạm phát cao hơn lãi suất danh nghĩa, các chủ nợ đứng trước nguy cơ mất tiền nên chuyển sang giữ vàng.
Chạm ngưỡng 1.600 USD
Theo Bloomberg, giá vàng tăng vọt lên 1.600 USD/ounce (tương đương 44,695 triệu đồng/lượng) sáng ngày 8/1 - mức cao nhất trong vòng 7 năm sau khi Iran tấn công các cơ sở của quân đội Mỹ ở Iraq để trả thù cho cái chết của vị tướng hàng đầu nước này vào tuần trước.
Vàng cũng mạnh hơn so với các tiền tệ khác. “Một số nhà sản xuất tận dụng lợi thế của giá vàng ở các đồng nội tệ”, theo chiến lược gia Joni Teves và James Malcolm của UBS.
“Việc các nhà sản xuất bán vàng có thể giúp kiềm chế sự tăng giá trong thời gian tới, nhưng chúng tôi không cho rằng nó sẽ thay đổi xu hướng, đặc biệt là nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục hỗ trợ vàng tăng giá”, hai chuyên gia của UBS nhấn mạnh trong ghi chú.
Colin Hamilton, giám đốc điều hành nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets, cho biết vàng thường tăng giá vào tháng 1 và tháng 2 do nhu cầu tại Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán và việc tái cân bằng danh mục đầu tư, đặc biệt là ở các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục).
Theo Hamilton, việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng cũng hỗ trợ vàng lên giá, nhất là khi các ngân hàng trung ương toàn cầu đang kỳ vọng đồng USD giảm giá.
Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Tương lai Mỹ (CFTC) chỉ ra các nhà đầu tư đã mua 20.251 lô vàng COMEX vào tuần trước, tạo ra vị thế mua 263.170 lô trong ngày 31/12, mức cao nhất kể từ tháng 9/2019.
Tránh nóng vội
Mặc dù các yếu tố vĩ mô hỗ trợ vàng tăng giá, giới chuyên gia cũng cảnh báo các nhà đầu tư tránh hành động vội vàng.
UBS lưu ý rằng các rủi ro thanh khoản có khả năng làm tăng quá mức price action (hành động giá) cùng với việc các nhà giao dịch đang dần quay trở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Ngoài ra, tính thời vụ của việc vàng tăng giá cũng được cho là yếu tố quan trọng cần cân nhắc.
Teves và Malcolm cũng thận trọng về sự biến động và tính bền vững của các ảnh hưởng địa chính trị đối với giá vàng.
“Sự leo thang (xung đột) có thể dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với vàng, nhưng phản ứng liên tục và đáng kể với giá vàng cũng có xu hướng tăng nếu bất ổn kéo dài”, họ nhận định.
Hôm 7/1, các chiến lược gia của Macquarie cũng nhận định “các sự kiện rủi ro địa chính trị trước đó đã không đủ để tạo nên một đợt tăng giá kéo dài”.
“Để giá vàng tăng hơn nữa, đồng USD cần yếu hơn, lãi suất thấp hơn và kỳ vọng lạm phát tăm đột biến thông qua giá dầu tăng cao và sự lo ngại về tăng trưởng toàn cầu”, lưu ý viết.
Phương Thảo