Tính đến đầu giờ sáng nay (20.4, giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở ngưỡng 16,39 USD/thùng, mất gần 2 USD, giảm hơn 10% trong phiên; hợp đồng giao tháng 6 mất 0,85 USD/thùng, còn 24,18 USD/thùng. Mức thấp nhất tính đến 8 giờ 15 sáng nay (giờ Việt Nam) là 14,47 USD/thùng. Dầu Brent giảm gần 1%, còn 27,85 USD/thùng; giao tháng 7 giảm nhẹ 0,13 USD, còn 31,45 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (17.4), giá dầu thô WTI đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ năm 2002. Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex mất 1,6 USD, tương đương giảm 8%, xuống 18,27 USD/thùng, sau khi dao động ở mức đáy trong phiên là 17,31 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 11.2001. Dầu Brent giao tháng 6 trên sàn London cũng tăng nhẹ 0,26 USD lên 28,08 USD/thùng.
Trong tuần qua, dầu WTI đã giảm gần 20% và dầu Brent giảm gần 11%.
Giá dầu ngày 20.4 vẫn có xu hướng tiếp tục giảm khi những lo ngại về sự mất cân đối cung cầu trên thị trường dầu thô được dự báo sẽ kéo dài bởi đại dịch Covid-19. Trước đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới và các nước đồng minh đã không giúp cải thiện giá dầu.
Trong khi đó, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc hôm cuối tuần có báo cáo rằng nền kinh tế của họ đã vào cuộc suy thoái lịch sử trong quý 1 đầu năm. Những cuộc suy thoái tương tự được dự báo có thể xảy ra tại các nước Âu châu, Mỹ - nơi đang “đánh vật” với đại dịch. Theo Reuters, có khoảng 13% số giàn khoan ở Mỹ đã được đóng nhằm cắt giảm chi phí trong bối cảnh ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ của Mỹ bị ảnh hưởng lớn từ sự lao dốc của giá dầu.
Ở trong nước, bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex được chia theo vùng 1 và vùng 2 ngày 20.4 cho thấy, giá xăng A95 11.930 - 12.160 đồng/lít, xăng E5 11.340 - 11.560 đồng/lít, dầu diesel 10.820 - 11.030 đồng/lít, dầu hỏa 8.630 - 8.800 đồng/lít