Phiên 8/5, khối ngoại mua ròng gần 70 tỷ đồng, dứt chuỗi 26 phiên bán ròng liên tiếp. Những phiên sau đó, xu hướng mua ròng giữ ổn định ở mức vài chục đến hơn trăm tỷ đồng mỗi phiên. Riêng phiên 14/5, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2.500 tỷ đồng. Sau phiên 15/5, nếu loại trừ giao dịch đột biến trên thị trường thỏa thuận, chuỗi phiên mua ròng của khối ngoại đã tăng lên con số sáu, giúp cân bằng lực bán đầu tháng. Giá trị bán ròng từ đầu tháng 5 chỉ còn hơn 300 tỷ đồng.
Từ việc là áp lực cho thị trường với chuỗi hàng chục phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đang đảo ngược xu hướng thành "trụ đỡ". Các công ty chứng khoán đánh giá đây là tín hiệu tích cực, còn giới phân tích cho rằng điều này có thể là dấu hiệu cho sự thay đổi về xu hướng thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, động thái mua vào mạnh gần đây có thể do ba nguyên nhân. Đó là diễn biến tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh, kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và động thái cơ cấu lại từ các quỹ đầu tư.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng như Việt Nam dần nới lỏng tình trạng cách ly giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất. Điều này tạo điểm tựa cho tâm lý thị trường, với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong hai quý cuối năm.
Trong khi đó, từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5, các quỹ ngoại có quy mô lớn trên thị trường đang có hoạt động tái cơ cấu quyết liệt. Các quỹ lớn đã bán những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời không tốt và dùng lượng tiền đó để gia tăng tỷ trọng những mã bluechip trong những phiên mua ròng gần đây.
"Các quỹ đầu tư không thể giữ trạng thái tiền mặt quá lớn, trong khi thị trường đang cho thấy những điểm mua hợp lý", chuyên gia từ Yuanta nhận xét. "Những tín hiệu từ các gói kích thích kinh tế, sự mở cửa trở lại của các doanh nghiệp đã thúc đẩy việc giải ngân nhanh hơn".
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác cũng nhận xét, đà giảm sâu trước đó của thị trường đã đưa mức định giá P/E của nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn, điều này đã kích hoạt sự trở lại của những quỹ đầu tư lớn.
Thực tế, không phải khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mà từ trước đó, lực cầu của nhóm này với những mã bluechip giảm sâu đã xuất hiện. Lý do khối ngoại vẫn bán ròng trong tháng 4 và đầu tháng 5 là do lực bán tại một số nhóm cổ phiếu khác.
Khối ngoại trở lại mua ròng nhưng điều này sẽ kéo dài đến khi nào? Ông Minh nói rằng hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới xu hướng này là tình hình kiểm soát dịch bệnh và sức bật của nền kinh tế sau dịch. Nếu "làn sóng thứ 2" của Covid-19 không tái diễn hoặc đến nhưng không quá sớm, khả năng xu hướng tích cực sẽ được duy trì.
"Khi các lệnh cách ly xã hội được nới lỏng, điều mà giới đầu tư quan tâm nhất là liệu khả năng bùng phát trở lại có thể xảy ra hay không", ông Minh nhận xét. "Nếu duy trì được trạng thái ổn định, xu hướng tích cực có thể sẽ kéo dài. Có thể các chỉ số vĩ mô chưa thực sự tốt nhưng sự kỳ vọng trên thị trường chứng khoán thường đi trước diễn biến thực tế của nền kinh tế".
Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cũng đánh giá áp lực từ hành vi của khối ngoại đang là rủi ro bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn rộng trong dài hạn, khi nhóm nhà đầu tư này trở lại với thị trường lúc dịch bệnh và nền kinh tế ổn định trở lại thì đây lại là nguồn lực rất quan trọng để đưa chỉ số về vùng cân bằng.
"Các quỹ đầu tư tài chính luôn áp lực giải ngân thay vì giữ tiền mặt quá lâu. Do đó, nguồn tiền đang đứng ngoài cũng là động lực quan trọng góp phần giúp VN-Index có những nhịp hồi phục mạnh mẽ, khi nền kinh tế trở lại với chu kỳ tăng trưởng", báo cáo của VFCA đánh giá.
Minh Sơn