Từ ngày 1/4, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đồng nhất đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg. Mới đây Bộ NN&PTTN cũng có văn bản đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy vậy, hiện nay giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao.
Giá lợn hơi còn có thể thấp nữa?
Có nhiều nhận định được đưa ra trong sự bất hợp lý giữa giá lợn hơi và lợn thịt. Nhiều người cho rằng, các khâu trung gian tham gia vào thị trường này khiến giá thịt lợn khó giảm, và khoảng chênh lệch còn rất lớn của giá lợn hơi đã không có những tác động mạnh vào giá bán lẻ tại chợ và siêu thị…
Nhưng quy luật thực tế là khi nguồn cung còn quá thiếu, chắc chắn giá thịt lợn chưa thể giảm nhiệt trong thời gian ngắn. Số liệu cho thấy, ở thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi (cuối năm 2018 và đầu năm 2019), tổng đàn lợn cả nước khoảng 37-38 triệu con. Lợn ở khu vực chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 48% và ở các hộ chăn nuôi chiếm tỷ lệ 52%.
Nhưng hiện nay, toàn bộ nguồn cung ở khu vực các hộ chăn nuôi đang sa sút nghiêm trọng bởi tốc độ tái đàn chưa bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Nguồn cung lợn hiện chỉ còn tập trung nhiều ở các trang trại của các tập đoàn lớn và họ nắm tương đối tốt vấn đề này nên im lặng làm và tranh giành thị trường. Đã có thêm những doanh nghiệp chăn nuôi lớn vào cuộc và họ định vị lại sản phẩm cũng như cạnh tranh lẫn nhau.
Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực chăn nuôi tính toán, tuy giá lợn hơi của một số công ty chăn nuôi lớn đã hạ xuống 70.000 đồng/kg nhưng vẫn còn đem lại một khoản lợi nhuận rất lớn cho họ, bởi giá thành chăn nuôi lợn hiện nay chỉ khoảng 43.000 đồng/kg, mỗi con lợn sẽ có lãi từ 2 - 3 triệu đồng. Trong tình cảnh hiện nay, nghiễm nhiên các công ty chăn nuôi có thể thu lãi hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch giá.
Vì thế khi Chính phủ và các Bộ, ngành đều đã và đang nỗ lực lớn nhằm đưa giá lợn giảm xuống, nhưng cách đưa giá xuống theo lối đề nghị, yêu cầu như trên là đang thoát khỏi kinh tế thị trường, quy luật thị trường cho nên đề nghị, yêu cầu nhiều lần nhưng giá thịt lợn không giảm được như mong đợi.
Cách đây hơn 1 tháng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương làm rõ lợi nhuận chênh lệch giá nộp ngân sách của các khâu chăn nuôi, các trung gian phân phối thị lợn để có hướng xử lý nhưng cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo công khai cho mọi người được biết.
Và dù các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết đưa giá lợn xuống 70.000 đồng/kg nhưng hiện nay công tác kiểm tra, giám sát còn bỏ ngỏ. Nhiều lò mổ cho rằng họ chỉ mua được vài chục con lợn với mức giá đó, còn hầu như không mua được. Do đó, vấn đề giá lợn chỉ có thị trường và “bàn tay” vô hình của thị trường mới giải quyết được, không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính để can thiệp.
Đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá
Nghịch lý về giá thịt lợn cao ngất ngưởng vẫn chưa được giải quyết một cách tận gốc, chưa có tác dụng thiết thực với người tiêu dùng xã hội trong mấy tháng nay, nhất là trong những lúc chi tiêu đang còn những khó khăn bởi dịch Covid-19 là một dấu hỏi lớn của dư luận, cần được giải đáp một cách thấu đáo và bằng những hành động cụ thể trên thị trường thịt lợn. Những nghịch lý đang hiện diện ở sản xuất và khâu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng xã hội phải gánh chịu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan cần sớm đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả và thiết thực để đưa giá thịt lợn về một mức hợp lý, vừa nhằm vừa thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển một cách bền vững và phục vụ người tiêu dùng xã hội. Nếu làm được như vậy trong thời gian sớm nhất thì những nghịch lý trên sẽ được loại bỏ.
“Những đề xuất có vai trò rất quan trọng để đưa mặt hàng thịt lợn vào diện hàng bình ổn giá của các cơ quan thống kê, vật giá và thuế vẫn chưa được chấp nhận. Nếu không đưa mặt hàng này vào luật định thì thực tế rất khó để kiểm soát giá từ khâu chăn nuôi tới khâu bán lẻ trên thị trường hiện nay”, ông Phú quả quyết.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy minh chứng, Trung Quốc cũng đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, có dự trữ nên có khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn trung bình khoảng 3 tháng .
Ở Việt Nam, khi mặt hàng thịt lợn được đưa vào diện bình ổn giá sẽ có lượng thịt dự trữ của nhà nước, đồng thời khuyến khích được các tổ chức phát triển hệ thống kho lạnh, trữ đông. Mỗi khi giá lợn có nhiều biến động, có thể tiến hành điều chỉnh giá cả trong từng vùng, miền.
“Việt Nam nên triển khai theo hướng như vậy. Tuy nhiên muốn vậy, việc đầu tiên là cần có đầy đủ hệ thống lưu trữ, số liệu, tính toán được, tránh đầu cơ tích trữ, tránh tình trạng lợi ích nhóm. Khi đã thiết lập được hệ thống số liệu thì cần hệ thống quy định chặt chẽ về mặt luật pháp, siết chặt kỷ cương để triển khai”, ông Thủy phân tích.
Tuy nhiên theo ông Thủy, muốn giải quyết gốc rễ vấn đề giá thịt lợn phải tư duy lại về ngành chăn nuôi lợn và thịt lợn. Ngành chăn nuôi và giá thịt lợn đã có dấu hiệu khủng hoảng, cần có giải pháp, chính sách và chế tài điều hành quyết liệt mới mong chuyển biến tình hình.
“Nhận thức thay đổi tư duy này phải bắt nguồn từ các Bộ như Công Thương, NN&PTNT nhận định và phân tích rõ được vấn đề khủng hoảng hiện nay, từ đó mới có đề xuất, tham mưu lên Chính phủ để đưa ra chính sách, biện pháp phù hợp”, ông Thủy chỉ rõ./.
Nguyễn Quỳnh