Sau phiên sáng giao dịch thận trọng và phân hóa cao, thị trường bước vào phiên chiều tích cực hơn, với rổ VN30 cân bằng trở lại đã kéo nhanh VN-Index lên trên tham chiếu, nhưng với áp lực bán trực chờ khiến chỉ số không thể tiến xa, mà ngược lại còn bị đẩy trở lại sắc đỏ, và nhịp nảy trở lại tham chiếu sau đó đã bị phiên ATC phá hỏng, khi lực bán dứt khoát diễn ra với điểm đến là SAB đã kéo chỉ số quay trở lại vùng giá thấp.
Đóng cửa, sàn HOSE có 152 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,46%), xuống 767,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 219,4 triệu đơn vị, 219,4 triệu đơn vị, giá trị 3.663,6 tỷ đồng, giảm 29% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,1 triệu đơn vị, giá trị 505,1 tỷ đồng.
Rổ VN30 phân hóa mạnh với 11 mã tăng và 16 mã giảm, cùng 3 cổ phiếu đứng tham chiếu là VIC, FPT và VPB.
Trong khi đó, tạo gánh nặng lớn nhất là SAB, khi mất 5,6% xuống 170.000 đồng. Cùng với đó là VRE -3,2% xuống 22.750 đồng; HPG -2,5% xuống 21.400 đồng; VNM -2,2% xuống 100.500 đồng; GAS -2,2% xuống 62.800 đồng. Nhóm PLX, PNJ, MWG giảm từ 1,2 đến 1,6%.
Hỗ trợ giúp chỉ số không giảm sâu có MSN +2,1% lên 59.700 đồng; POW +4% lên 10.300 đồng và CTG +1,1% lên 19.050 đồng cùng các mã ngân hàng VCB, BID, TCB, MBB, HDB, nhưng mức tăng chỉ khiêm tốn.
Cổ phiếu VHM sau khi mở cửa bùng nổ đã dần hạ nhiệt và đóng cửa chỉ còn +0,2% lên 64.600 đồng.
Thanh khoản tốt nhất vẫn là HPG, và cũng là cao nhất HOSE với hơn 7,68 triệu đơn vị khớp lệnh; STB có hơn 7 triệu đơn vị, giảm nhẹ 0,1%; POW có 6,73 triệu đơn vị; ROS có 6,1 triệu đơn vị, giảm 3,4% xuống 3.754 đồng.
Nhóm các mã VPB, SBT, SSI, MBB, VHM, CTG, VRE có từ 2 triệu đến gần 4 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng phân hóa, nhưng giao dịch đáng chú ý có tại BDC, DCM, FCN, PAC, HHS, CLG, TIP, LCM khi đều tăng kịch trần, trong đó, DBC thanh khoản cao với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh; HHS có 0,48 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua giá trần hơn 2,17 triệu đơn vị.
Giảm điểm đáng kể nhất là FRT, khi về lại mức giá sàn -6,8% xuống 21.150 đồng, khớp hơn 1,05 triệu đơn vị; ABS cũng giảm sàn -6,8% xuống 17.900 đồng, khớp hơn 0,18 triệu đơn vị.
Sắc đỏ cũng xuất hiện khá nhiều tại HSG, PVD, AMD, HQC, HAI, FLC, AAA DLG, PVT, NKG, GTN, QCG...
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, với đà hồi phục của HNX-Index sau giờ nghỉ trưa, nhưng dưới sức ép chung trên toàn thị trường, chỉ số vẫn ngậm ngùi đóng cửa trong sắc đỏ.
KLF là cổ phiếu đáng chú ý nhất khi khối lượng giao dịch chiếm gần 1/3 toàn sàn với hơn 14,3 triệu đơn vị khớp lệnh, và tăng kịch trần lên 2.200 đồng.
Các mã còn tăng chỉ còn ACB +1% lên 20.300 đồng; VCG +1,2% lên 25.500 đồng; TNG +1,7% lên 12.300 đồng.
Còn lại đa số giảm như SHB -0,6% xuống 16.000 đồng; PVS -2,6% xuống 11.300 đồng; VCS -0,3% xuống 60.000 đồng, cùng hàng loạt mã như NVB, HUT, SHS MST, KVC, CEO, MBS, VC3 đứng giá tham chiếu.
Đóng cửa, sàn HNX có 29 mã tăng và 37 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%), xuống 106,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,4 triệu đơn vị, giá trị 289,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,04 triệu đơn vị, giá trị 18,26 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tích cực hơn trong phiên chiều, khi vươn lên trên tham chiếu và đóng cửa trong sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất phân hóa với BSR, OIL G36, VGI, DRI, HNG, CTR giảm, còn LPB, VIB, VEA, MPC, LTG, VGT tăng điểm.
Trong đó, BSR khớp lệnh dẫn đầu với hơn 2 triệu đơn vị; LPB có 1,84 triệu đơn vị OIL có 1,33 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,27%), lên 52,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 129,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị 28,1 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cà 4 hợp đồng tương lại đều tăng trở lại, trong đó VN30F2005 nhích 0,22% lên 694 điểm với hơn 240.000 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở hơn 32.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế với khoảng 30 mã, và chỉ 8 mã tăng, với CHPG2003 được giao dịch nhiều nhất với 720.000 đơn vị khớp lệnh, giảm về còn 200 đồng/cq.
Lạc Nhạn