Theo tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Ngân hàng Nhà nước, “giới hạn đối với vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài trong khi vẫn đảm bảo được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng-tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”.
Theo bà Virgina Foote, đại diện AmCham Việt Nam việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển của ngành fintech Việt Nam, đặc biệt khi các doanh nghiệp trong ngành cần phát triển dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) từ các quốc gia đi trước, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực.
Về phần mình ông Fred Burke, Trưởng Nhóm công tác đầu tư và thương mại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng thanh toán điện tử là lĩnh vực có sự đổi mới nhanh chóng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có một số hạn chế có thể làm mất cơ hội để Việt Nam trở thành “điểm nóng” đổi mới toàn cầu trong lĩnh vực này.
Đáng quan tâm là việc đặt ra hạn mức phần vốn góp tối đa 49% của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán/thanh toán không dùng tiền mặt, gọi chung là các công ty fintech. “Đây là điều sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Burke lo ngại.
Theo ông Fred Burke đổi mới là chủ đề phù hợp với Việt Nam bởi Việt Nam có một số điều kiện có thể bảo đảm thành công trong việc đầu tư vào đổi mới, nhưng lại đang đối mặt với một số trở ngại lớn để tối đa hóa các tiềm năng to lớn.
Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách thuận lợi cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng và phổ cập tài chính của Việt Nam.
“Chúng tôi quan ngại về một số quy định gần đây về lĩnh vực thanh toán và fintech. Kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và fintech sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực”, bà Amanda Rasmussen chia sẻ.
Vì vậy, bà Amanda Rasmussen hy vọng rằng chính phủ Việt Nam sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ fintech có cơ hội đóng góp vào công cuộc đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Trước đó, tại một hội thảo với cùng chủ đề, luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), Giám đốc Công ty Luật VCI Legal cho rằng: Hiện nay trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của fintech, nên hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech.
“Giới hạn Ngân hàng Nhà nước đưa để xuất nhằm mục đích ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội. Nhưng, hiện nay fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư cho công nghệ, thị trường cho đến nhân lực. Vì vậy, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của fintech Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Huyền Trang