Trong lúc Mỹ còn đang tập trung vào các vấn đề nóng bỏng khác như Iran, Syria, hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Nga vẫn đang âm thầm gây bão trên toàn cầu, theo RT.
Sau thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ đang là khách hàng tiếp theo và thậm chí cả Iraq cũng tỏ rõ sự quan tâm hơn bao giờ hết với vũ khí Nga, bất chấp các lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Trong một sự kiện ít người chú ý vào tuần trước, các quan chức Nga đã chính thức xác nhận với truyền thông rằng Ấn Độ sẽ nhận lô hàng S-400 đầu tiên vào tháng 9/2021.
Thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD được ký vào năm 2018 sẽ được tiến hành bất chấp cảnh báo của Mỹ về việc có thể kích hoạt lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA.
Cuộc đua của người chiến thắng
Hệ thống phòng không danh tiếng của Nga xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, nhưng phải đến vài năm trở lại đây nó mới nổi lên như một thứ vũ khí bắt buộc mà bất kỳ quốc gia có tham vọng quân sự nào cần phải có.
S-400 trở thành lựa chọn vũ khí phổ biến trên thế giới thay vì chỉ được những quốc gia mua vũ khí truyền thống của Nga quan tâm như trước kia.
Nếu nhìn nhận một cách thực tế, sẽ không khó để lý giải điều này vì khi đặt lên bàn cân, S-400 là ứng cử viên sáng giá hơn khi so với hệ thống Patriot và THAAD của Mỹ.
Saudi Arabia và Iraq là những quốc gia mới nhất bày tỏ sự quan tâm đến S-400. Riyadh được cho là đã cân nhắc đến thương vụ S-400 sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tháng 9/2019 nhằm vào cơ sở dầu quan trọng của vương quốc.
Cuộc tấn công đã phô bày một số hạn chế của các hệ thống phòng không được đánh giá là tinh vi của Saudi Arabia, với nòng cốt là Patriot do Mỹ sản xuất và các radar liên quan.
Rõ ràng, Patriot đã không thể ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Đó cũng không phải là lần đầu tiên hệ thống mà Saudi mua từ Mỹ thất bại.
Vào tháng 3/2018, ít nhất 5 tổ hợp phòng không của Saudi đã bỏ lỡ hoặc không được vận hành chính xác khi định đánh chặn một loạt tên lửa nhắm vào Riyadh.
Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích với Mỹ, Saudi Arabia vẫn chưa ký hợp đồng với Nga. Thay vào đó, Washington đã triển khai quân đội và các hệ thống phòng không bổ sung trong khu vực.
Iraq cũng được cho là đang xem xét việc mua S-400, nhưng vẫn chưa chính thức thảo luận vấn đề với Nga.
Đại sứ Nga tại Iraq Maxim Maximov cho biết, hiện không có lời đề nghị nào từ phía Iraq về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao không hề giấu diếm ý định của Nga về việc sẵn sàng bán vũ khí phòng không danh tiếng này cho đối tác.
Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là đồng minh của NATO, đã nhận được S-400 đầu tiên vào mùa hè năm ngoái. Trung Quốc cũng đang trong quá trình nhận lô hàng S-400 cuối cùng.
Rõ ràng, hoạt động ngày càng tăng của Mỹ ở các vùng biển giáp ranh với sự triển khai các máy bay tiên tiến như F-35 và F-22 là một trong những lý do buộc Bắc Kinh mua S-400.
Điều này cũng mặc nhiên thừa nhận một thực tế rằng hệ thống phòng không “cây nhà lá vườn” mà Bắc Kinh sản xuất lúc này là không đủ để chống lại sức mạnh không quân hiện đại từ Mỹ.
Trừng phạt vô cớ
Một điều đáng thú vị đó là Washington đã không trừng phạt Trung Quốc về thương vụ S-400, mặc dù trước đó nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh vì mua máy bay chiến đấu và tên lửa từ Nga.
Cũng không có lệnh trừng phạt nào được thực thi đối với Ấn Độ, mặc dù có rất nhiều lời đe dọa từ phía Mỹ.
Điều này có thể được giải thích một phần từ việc New Delhi đã tìm cách xoa dịu Washington bằng cách xem xét việc mua hệ thống tên lửa đất đối không NASAM II của Mỹ để bảo vệ khu vực thủ đô chống lại tên lửa đạn đạo.
Hơn nữa, Ấn Độ đang trong giai đoạn đàm phán thỏa thuận mua trực thăng trị giá 3,6 tỷ USD với Mỹ, có thể được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Trump vào cuối tháng này.
Điều đáng chú ý là Ấn Độ có kế hoạch triển khai S-400 dọc biên giới phía đông bắc, đối mặt với Trung Quốc.
Lợi thế của S-400
S-400 xuất thân từ “gia đình” S-200 và S-300 vốn đã gặt hái được danh tiếng trong quá khứ. Hệ thống này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, khi được đưa vào phục vụ lực lượng vũ trang Nga.
Tuy nhiên, S-400 vẫn chưa được thử nghiệm trong chiến trận, không giống như Patriot do Raytheon sản xuất và THAAD của Lockheed Martin.
Vậy điều gì đang khiến các quốc gia trên toàn cầu lựa chọn hệ thống Nga để thay thế hàng Mỹ? Rõ ràng, một sự kết hợp giữa chi phí, sự thuận lợi chính trị và tính linh hoạt là câu trả lời.
S-400 rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm của Mỹ, khi chỉ có giá khoảng 500 triệu USD so với 1 tỷ USD cho Patriot Pac-2 hoặc 3 tỷ USD đối với THAAD. Về cơ bản, các hệ thống vũ khí của Nga thường rẻ hơn so với hầu hết các đối tác phương Tây, một phần vì các hợp đồng của Mỹ đều đi kèm với các thỏa thuận bảo trì quy mô lớn đầy tốn kém.
Một lý do khác khiến nhiều quốc gia thích S-400 là việc mua vũ khí từ Chính phủ Mỹ liên quan đến nhiều quy trình rườm rà và các rào cản pháp lý tốn thời gian.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, S-400 mang đến sự phòng vệ đa dạng hơn. THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa đáng gờm, có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo tốt hơn bất kỳ hệ thống phòng không nào - nhưng nó chỉ có thể bắn hạ tên lửa và nhằm mục tiêu ở độ cao rất cao (tối thiểu 40-50 km).
Để đánh chặn máy bay chiến đấu, máy bay chiến lược tầm xa hoặc máy bay không người lái, người ta sẽ cần sử dụng Patriot – một hệ thống mà cho đến nay bảng thành tích vẫn khiến ai đó phải nghi ngại.
Để so sánh, S-400 là hệ thống hợp nhất các chức năng của cả hai hệ thống nói trên. Điều này giúp vũ khí Nga tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Tất cả những đặc điểm trên là bằng chứng rõ ràng cho thấy S-400 đang chiến thắng trước các hệ thống phòng không khác trên toàn cầu.
Mạnh Kiên