Để tiếp nguồn vốn giúp doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng F&B vượt qua đại dịch Covid-19, vào ngày 22/4, lần đầu tiên một dự án gọi vốn cộng đồng bằng Coupon (phiếu mua hàng giảm giá) dịch vụ đã ra mắt ở Việt Nam.
Gọi vốn bằng Coupon
Trong giai đoạn đầu, dự án này dự kiến sẽ thu hút ít nhất 1.000 DN tham gia vào hệ thống chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt và được kỳ vọng sẽ giúp các DN F&B vốn chịu nhiều tổn thất nặng nề vượt khó khỏi giai đoạn này.
Theo đó, dự án sẽ giúp DN gọi vốn từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Người mua tiết kiệm được chi tiêu trong khi người bán vẫn thu về được chi phí cơ bản để vận hành hệ thống. Thông qua đó, DN không còn lo bị gián đoạn hoạt động kinh doanh hay đứt kết nối với khách hàng.
Với cam kết tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để DN có được một chiến dịch gọi vốn thành công theo phương thức mới, bà Lại Thị Quỳnh Trang, Giám đốc vận hành JAMJA (đơn vị vận hành dự án), cho rằng đối với người bán là các cơ sở, DN cung cấp dịch vụ, khi tham gia vào hệ thống, họ được chủ động quyết định về mức ưu đãi của Coupon, các loại Coupon cũng như thời gian phát hành (thời gian huy động vốn).
Còn đối với người mua, đặc biệt là các tổ chức, DN mua Coupon số lượng lớn thông qua nền tảng này, họ sẽ nhận được dịch vụ, sản phẩm với chất lượng không đổi nhưng chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều.
Thực tế, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) không phải là một khái niệm mới trên thế giới, mà đã tồn tại từ hơn 10 năm nay. So với việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc vay ngân hàng thì gọi vốn cộng đồng cho phép một số lượng lớn hơn nhiều các nhà đầu tư tham gia, mỗi người chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ. Theo nhiều ước tính, số lượng nền tảng gọi vốn cộng đồng đang hoạt động trên thế giới hiện nay khoảng 450+ nền tảng.
Còn tại Việt Nam, hình thức gọi vốn từ cộng đồng khá phổ biến với các DN vừa và nhỏ mới gia nhập thị trường và chịu khó đầu tư vào công nghệ, xuất phát từ nhu cầu phát triển DN của mình. Tuy nhiên, việc này chủ yếu do các DN tự làm thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu thay vì phát hành Coupon dịch vụ của chính mình.
Có thể kể đến vài tên tuổi nền tảng gọi vốn cộng đồng gần đây ở Việt Nam như GoFundMe.com, RocketHub.com, Fundingvn.com,… Và mới nhất thì có thể kể đến Powerpass.vn đang tập trung nhiều vào các DN trong ngành hàng F&B - vốn dĩ đang gặp khủng hoảng nặng nề từ dịch Covid-19.
Tham gia vào dự án gọi vốn cộng đồng bằng Coupon, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Bộ phận của một tập đoàn đầu tư vào các giải pháp công nghệ, chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều cửa hàng, DN thực sự được người tiêu dùng yêu mến vì chất lượng dịch vụ và họ sẵn sàng giúp đỡ DN duy trì dòng tiền để tồn tại qua giai đoạn này".
“Lùi một bước, tiến ba bước”
Theo ông Tuấn, sẽ rất đáng tiếc nếu chỉ vì khó khăn nhất thời mà có thể sẽ khiến nhiều thương hiệu tốt biến mất.
Đây là thời điểm mà nhiều DN F&B đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã phải đóng cửa, tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động dẫn đến việc mất doanh thu.
Trong khi đó, phần lớn doanh thu của các DN này đến từ hoạt động ngoại tuyến (offline) tại cửa hàng, điểm bán. Nguồn lực DN F&B ngay tức thời không chuyển hướng kịp sang mô hình trực tuyến (online). Khách hàng muốn mua hàng lại không tiếp cận được dịch vụ. Do vậy, nhiều DN gặp khó khăn về dòng tiền để duy trì hệ thống và vượt qua giai đoạn khủng hoảng trước mắt.
Giới chuyên gia nhận định với số vốn khiêm tốn hiện tại, nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành F&B sẽ khó tồn tại từ nay cho đến cuối năm và đối mặt nhiều chi phí tốn kém (đơn cử như thuê mặt bằng kinh doanh). Bản thân DN gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gọi vốn khi mà thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ còn mỏng, chưa phù hợp, có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Với các DN F&B gặp khó trong mùa dịch này, vừa qua, một số chủ cho thuê mặt bằng đã giảm giá thuê trong tháng 2, 3 và tháng 4/2020, dao động từ 10-30%. Các chủ nhà khác đã xem xét giảm 10-50% tiền thuê mặt bằng, tùy thuộc vào hiệu suất của người thuê nhà.
Tuy nhiên, để chia sẻ rủi ro khi mà nhiều DN F&B đang gặp khó về nguồn vốn, nhiều ý kiến cho rằng các chủ mặt bằng có thể xem xét chuyển từ mô hình thuê cố định truyền thống sang chia sẻ doanh thu và tiền thuê mặt bằng như được áp dụng bởi hầu hết các chủ nhà quốc tế.
Có thể nói, hiện nay có nhiều áp lực đang bủa vây DN ngành hàng F&B. Nhiều DN đã phải đóng cửa, trả mặt bằng do kinh doanh ế ẩm trong mùa dịch Covid-19, lại nặng gánh chi phí, cũng như xu hướng người tiêu dùng thay đổi.
Chính vì vậy, các DN ngành này cần “lùi một bước để xây dựng nền tảng, lùi một bước để có thể tiến ba bước sau mùa dịch”, và việc gọi vốn cộng đồng có thể là phương thức mà các DN cũng nên tính tới.
Đặc biệt là, nếu nhìn vào tương lai dự báo lạc quan cho ngành F&B ở Việt Nam trong 3 năm tới với doanh thu có thể đạt tới 408 tỷ USD thì không có lý do gì để DN còn lưỡng lự việc gọi vốn trong lúc khó khăn này.
Thế Vinh