Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn phục vụ thị trường cuối năm ngày càng khan hiếm. Giá thịt lợn cũng vì thế đang tăng chóng mặt. Ghi nhận của PV.VietNamNet cho thấy, giá thịt lợn hơi đã tăng lên 83.000-87.000 đồng/kg, còn thịt lợn bán tại một số chợ dân sinh trên địa bàn lên 150.000-250.000 đồng/kg tùy loại.
Do đó, để có nguồn thịt lợn đáp ứng nhu cầu phục vụ bánh chưng dịp Tết, nhiều hộ kinh doanh đã có phương án thu gom, tích trữ thịt lợn từ trước thay vì sử dụng nguồn thịt tươi dồi dào như mọi năm.
Chị Lê Thị Hòa, chủ một cơ sở chuyên sản xuất bánh chưng ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ, chưa năm nào giá thịt lợn cao như năm nay, lại khan hiếm nên chị phải gom, tích trữ từ mấy tháng trước. “Nếu không chuẩn bị đến sát Tết giá chỉ có tăng không bao giờ có chuyện giảm, lấy đâu ra thịt gói bánh chưng”, chị Hòa nói.
Chị Hòa kể, mọi năm cứ đến Tết, người nuôi mang thịt lợn đến tận nhà, chị không bao giờ lo thiếu thịt gói bánh chưng. Song, năm nay thương lái đã về tận các hộ dân đặt mua trước hết. Từ tháng 9, chị đã phải đặt hàng gom thịt lợn bên công ty chăn nuôi, chứ trong dân không lấy đâu ra nữa.
“Vừa rồi tôi gom được khoảng 50kg thịt gói bánh phục vụ ngày Rằm, mùng 1 còn không đủ. Tết năm nay đơn đặt hàng bánh chưng của tôi đã lên đến mấy nghìn cái, chưa kể bán lẻ nhiều nên tôi gom trước khoảng 1 tạ thịt lợn”, chị Hòa chia sẻ.
Riêng 27-28 Tết, mối khách sỉ đặt đã lên đến hơn 1.000 cái, mỗi chiếc bánh chưng từ 1-1,2 kg tính ra hết khoảng 0,5-1 lạng thịt nên chị Hòa dự kiến cần khoảng 50-70kg thịt lợn. Nếu không gom hàng từ trước, đến sát Tết giá thịt tăng cao sẽ không có hàng mà trả khách.
Với giá thịt lợn tăng gấp rưỡi so với hồi đầu năm, giá bánh chưng năm nay dự kiến cũng tăng cao. Chị Hòa tiết lộ năm ngoái giá bánh dao động từ 45.000-60.000 đồng/cái, năm nay có thể lên đến 65.000-80.000 đồng/cái nên Tết này chị chỉ nhận khoảng 1.000-1.500 cái bánh chưng. Khách đặt thêm phải liên hệ sớm để chị chuẩn bị may ra mới làm kịp.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Xuân, người chuyên gói bánh chưng lâu năm ở Thạch Thất (Hà Nội) cũng thừa nhận, trước tình trạng giá thịt lợn có chiều hướng tăng mạnh dịp Tết, chị đã phải tích trữ cấp đông, lùng sục đặt trước đầu mối thịt lợn khắp nơi để chuẩn bị cho vụ bánh chưng năm nay.
Chị Xuân kể rằng dân gói bánh chưng các chị chưa bao giờ nghĩ thịt lợn sẽ khan hiếm, đắt đỏ như hiện tại. Giờ thịt lợn nuôi trong dân thương lái đã đặt mua hết, còn tại doanh nghiệp số lượng thịt lợn cũng có hạn, không tích trữ đặt mua sớm thì Tết lấy đâu ra làm ăn.
Cách đây khoảng 2 tháng, giá thịt lợn tăng phi mã, dao động từ 110.000-130.000 đồng/kg tùy loại. Giá bánh chị Xuân bán cũng tăng thêm 5.000 đồng/chiếc. Chị Xuân phải lùng sục, vơ vét khắp các đầu mối để dự trữ hàng phòng sát Tết giá cao không mua nổi thịt làm bánh.
“Năm nay, dự kiến tôi xuất ra khoảng 2.000 cái bánh chưng dịp Tết là dừng, không nhận thêm. Tính sơ cần khoảng 1 tạ thịt lợn nên tôi phải liên hệ đặt trước mối quen hàng công ty, lấy theo từng đợt. Hàng về tôi cấp đông làm dần trả đơn Rằm, mùng 1 còn đâu để dành đến Tết. Giá thịt tăng vù vù nên phải tính toán cân đối lượng thịt sao cho có lãi”, chị Xuân nói.
Hiện bánh chưng chị bán lẻ có giá 60.000 đồng/chiếc, dự kiến đến Tết tăng lên khoảng 65.000-70.000 đồng/chiếc, lấy sỉ từ 20 chiếc có giá 45.000 đồng/chiếc. Do vậy, thời điểm này, lượng khách đặt bánh chưng trước Tết đã tăng đáng kể để được giữ giá hiện tại, thay vì để sát Tết như mọi năm, chị Xuân cho hay.
Theo anh Lê Thành Nam - một đầu mối chuyên mua lợn sỉ số lượng lớn ở Phú Thọ - lượng lợn nuôi trong dân gần như đã cạn, thương lái như các anh lùng mua rất vất vả. Trong khi nguồn cung thịt lợn từ các công ty cũng có hạn, chỉ ưu tiên bán cho khách quen nên phải thu gom, tích trữ cấp đông từ trước may ra mới có hàng phục vụ cho dịp Tết, nhất là dân gói bánh chưng năm nay.
Nhật Thanh